Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 24/3: Ca nhiễm tiếp tục tăng ở Đông Nam Á, gần 2.000 người chết tại Iran
Thời sự - Ngày đăng : 20:21, 24/03/2020
Đức sẽ “thắt lưng buộc bụng” khi dịch COVID-19 kết thúc
Phát biểu trên Đài truyền hình Đức ZDF ngày 24/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết chính phủ Đức sẽ quay trở lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” trên toàn quốc khi cuộc khủng hoảng virus corona kết thúc.
Ngày 23/3, Đức đã thông qua gói hỗ trợ trị giá lên tới 750 tỷ euro (tương đương 812,25 tỷ USD) để giảm thiểu thiệt hại do sự bùng phát của virus corona gây bệnh COVID-19 tại đất nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tham dự một cuộc họp báo về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế nước này tại Berlin, Đức ngày 10/3/2020. Ảnh: REUTERS / Michele Tantussi |
“Sau khi khủng hoảng kết thúc, Đức sẽ quay trở lại chính sách thắt lưng buộc bụng càng sớm càng tốt, với chính sách ngân sách cân bằng”, ông Peter Altmaier nhấn mạnh.
Hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng Euro sụp đổ vào tháng 3 do COVID-19
Theo một cuộc khảo sát ngày 24/3, hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng Euro đã sụp đổ vào tháng 3 khi virus corona gây đại dịch COVID-19 lan rộng khắp châu Âu và thế giới, khiến các cửa hàng, nhà hàng và văn phòng đóng cửa.
Chỉ số quản lý thu mua flash tổng hợp khu vực đồng Euro (PMI) của IHS Markit, được coi là thước đo tốt về tình trạng kinh tế, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 31,4 trong tháng này kể từ 51,6 hồi tháng 2.
Ca tử vong vì COVID-19 ở Ý chậm lại, mang đến tia hy vọng
Số người chết vì dịch coronavirus ở Ý đã tăng thêm 602 người trong ngày 23/3, mức tăng nhỏ nhất trong bốn ngày, trong khi số ca nhiễm mới cũng chậm lại, làm tăng hy vọng giai đoạn dịch bệnh mạnh nhất có thể qua tại quốc gia này.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết số người tử vong do lây nhiễm trong một tháng ở mức 6.077, trong khi tổng số ca nhiễm là 63.927, tăng từ 4.789 người trong 24 giờ qua - mức tăng nhỏ nhất trong 5 ngày.
Giulio Gallera, quan chức y tế hàng đầu ở khu vực phía Bắc vùng Bologna, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cho biết: “Hôm nay có lẽ là ngày tích cực đầu tiên xuất hiện trong tháng đầy khó khăn này”.
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kiểm tra tài liệu khi họ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong một phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Casalpalocco ở Rome, Ý vào ngày 24/3/2020. Ảnh: REUTERS / Guglielmo Mangiapane |
Ý đã phải hứng chịu đại dịch hô hấp nguy hiểm nhất thế giới, với 62% số ca tử vong được ghi nhận tại vùng Lombardy, khu vực đông dân và giàu có nhất của Ý.
Theo một thông báo của chính phủ Ý hôm 22/3, tất cả hoạt động kinh doanh, ngoại trừ hoạt động thiết yếu, phải đóng cửa cho đến ngày 3/4 và đưa ra một danh sách dài các trường hợp ngoại lệ được cho là quan trọng để duy trì chuỗi cung ứng của Ý.
Iran: Gần 2.000 người chết, khoảng một nửa nhân viên chính phủ làm việc tại nhà
“Ngày 24/3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết khoảng một nửa nhân viên chính phủ Iran đang làm việc tại nhà nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19”, truyền hình nhà nước đưa tin.
“Một biện pháp khác để ngăn chặn sự bùng phát, phóng thích tù nhân tạm thời, sẽ được gia hạn cho đến hết tháng Farvardin hiện tại của Iran, vào khoảng ngày 18/4”, ông Rouhani tuyên bố.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong cuộc họp về COVID-19 tại Tehran hôm 21/3. Ảnh: Reuters |
Iran là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 bên ngoài Trung Quốc.
Theo phát ngôn viên Kianoush Jahanpour của Bộ Y tế Iran, số người chết vì căn bệnh này ở Iran đã tăng 122 người, nâng tổng số lên 1.934 vào ngày 24/3. Số ca nhiễm cũng tăng thêm 1.762 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 24.811.
Lào xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên
Ngày 24/3, Lào có 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Hai ca nhiễm này là một nam nhân viên khách sạn 28 tuổi và một nữ hướng dẫn viên du lịch 36 tuổi, đều ở thủ đô Viêng Chăn.
Hiện tại, hai bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab, có tình trạng sức khỏe ổn định. Giới chức trách Lào đang điều tra hành trình di chuyển của hai bệnh nhân này và xác định những người đã tiếp xúc gần với họ.
Từ ngày 26/3, Thái Lan sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24/3, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết Thái Lan sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp một tháng, bắt đầu từ ngày 26/3 để ứng phó với dịch COVID-19.
“Việc ban bố tình trạng khẩn cấp có nghĩa là thủ tướng sẽ có quyền hành pháp để tuyên bố các biện pháp tiếp theo trong cuộc chiến chống COVID-19, bao gồm trao thêm quyền cho các quan chức và cho phép thiết lập các trạm kiểm soát để hạn chế người dân đi lại” – Reuters cho biết.
Ngày 24/3, Thái Lan xác nhận thêm 3 ca tử vong và 106 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 827.
Malaysia sẵn sàng ứng phó với "kịch bản tồi tệ nhất"
Ngày 24/3, Noor Hisham Abdullah, một quan chức của Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đang tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và lên phương án sẵn sàng ứng phó với "kịch bản tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19.
Reuters đưa tin, hiện nay Malaysia là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. Cụ thể chỉ trong 10 ngày, số ca nhiễm tại Malaysia đã tăng gấp 6 lần, lên 1.518 ca và đứng thứ 4 khu vực châu Á, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật.
Theo Noor Hisham, vào cuối tuần này, Malaysia sẽ tăng gấp đôi các ca xét nghiệm hằng ngày lên 7.000 ca trước khi thành 16.500 ca trong tuần đầu tiên của tháng 4.
Bộ Y tế Malaysia công bố tính đến hết ngày 23/3, quốc gia này đã thực hiện 17.923 ca xét nghiệm.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 lúc 19h ngày 24/3/2020:
Thế giới: 392.282 người mắc, 17.147 người tử vong, trong đó:
Italy: 63.927 người mắc; 6.077 người tử vong.
Hoa Kỳ: 46.148 người mắc; 582 người tử vong.
Việt Nam: 123 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1);
1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).