Quy định chi tiết loại hình thiên tai sẽ kích hoạt cơ chế hành động kịp thời

Trong nước - Ngày đăng : 17:54, 24/03/2020

(TN&MT) - Chiều 24/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Về loại hình thiên tai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, một số loại hình thời tiết như “gió mạnh trên biển”, "sương mù” được quy định là thiên tai chưa thực sự thuyết phục và cần làm rõ ở cấp độ nào mới là thiên tai.

Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận chiều 24/3. Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chỉ ra, dự án luật cũng chưa bổ sung về nội dung cảnh báo thiên tai và nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tế một số loại hình thời tiết đã gây ra thiệt hại cho nhân dân, việc quy định chi tiết loại hình thiên tai sẽ kích hoạt cơ chế hành động, quản lý kịp thời trong trường hợp thiên tai xảy ra.

Đối với việc thành lập Qũy phòng, chống thiên tai Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt ra vấn đề, liệu có trùng lắp với Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương hay không trong khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện đang được giao tiếp nhận tất cả các nguồn tài trợ từ quốc tế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng không nên điều tiết giữa quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương này với địa phương khác và điều tiết quỹ của địa phương về trung ương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

Bày tỏ quan điểm tán thành việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nội dung ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng chống thiên tai cần ghi được khoản riêng trong luật.

Ngoài ra, cần làm rõ việc phân bổ, dự phòng ngân sách ra sao và trách nhiệm của trung ương và địa phương về vấn để này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại việc thành lập quỹ trung ương, bộ phận chuyên trách phòng chống thiên tai sẽ phát sinh bộ máy, biên chế.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tại 63 tỉnh, thành đều có quỹ phòng chống thiên tai của địa phương. Nguồn quỹ trung ương là nơi tiếp nhận nguồn tài trợ, viện trợ khẩn cấp của quốc tế trong trường hợp nước ta xảy ra thiên tai.

Do vậy, việc thiết kế quỹ trung ương không trùng lặp với cấp tỉnh, việc sử dụng quỹ làm sao nhanh nhất, hiệu quả nhất, bên cạnh việc thành lập bộ phận chuyên trách cũng không hình thành bộ máy mới.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 24/3. Ảnh: Quang Khánh

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần xem xét lại các loại hình thiên tai; rà soát lại các loại quỹ vận động của các tổ chức chính trị xã hội để có sự thống nhất điều phối. Đồng thời cũng cần cân nhắc bộ phận chuyên trách phòng chống thiên tai nên giao cho các cơ quan chuyên môn làm đầu mối thực hiện.

Đánh giá việc hình thành quỹ là cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc quản lý thu chi phải được quy định rõ trong luật.

Tuyết Chinh