Bình Thuận: Triển khai các giải pháp ứng phó với tình trạng khô hạn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:46, 24/03/2020
Mực nước tại một hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đang xuống rất thấp |
Thiếu nước nghiêm trọng
Theo đánh giá của các chuyên gia, Bình Thuận thuộc vùng khí hậu Nam Trung Bộ với đặc điểm là nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa đông và khô hạn. Do nằm ở vị trí địa lý không thuận lợi nên trước diễn biến của biến đổi khí hậu (BĐKH), Bình thuận phải chịu nhiều rủi ro. Nhiệt độ trung bình năm tại Bình Thuận trong vòng 50 năm qua tăng 0,65°C và thường xuyên phải hứng chịu những đợt thời tiết cực đoan.
Do bị ảnh hưởng của BĐKH nên tỉnh Bình Thuận cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài… bởi dòng chảy năm và dòng chảy mùa lũ trên lưu vực sông thuộc tỉnh Bình Thuận có xu thế tăng nhẹ, dòng chảy mùa cạn có xu thế giảm, điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước trên lưu vực ngày càng gia tăng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh lượng mưa rất thấp, dòng chảy trên các sông suối tự nhiên đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Bước vào đầu vụ Đông Xuân 2019 - 2020, nguồn nước tất cả các hồ chứa chỉ đạt 78% thiết kế, thiếu hơn 230 triệu m3 so với dung tích thiết kế; các hồ chứa nước khu vực phía Bắc tỉnh chỉ đạt từ 50% - 60% dung tích thiết kế.
Đặc biệt, hồ thủy điện Đại Ninh (nguồn nước cung cấp chủ yếu cho các huyện phía Bắc tỉnh Bình Thuận) đạt chưa đến 40% dụng tích thiết kế. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh ước có khoảng 21.448 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt tại các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Phú Quý và thành phố Phan Thiết.
Ông Tạ Minh Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, hầu hết các hộ dân trên huyện đảo Phú Quý đều sử dụng từ 2 đến 3 nguồn nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như: Nước máy do cơ sở cấp nước của Cụm cấp nước Phú Quý và cơ sở tư nhân cung cấp; nguồn nước giếng đào và nguồn nước mưa. Tuy nhiên, do tình trạng BĐKH, hạn hán kéo dài diễn ra trên địa bàn huyện đến nay vẫn chưa có mưa.
Bình Thuận tích cực khơi thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân |
Nhiều giải pháp chống hạn
Để kịp thời đối phó với tình hình hạn hán, giải quyết nhu cầu về nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong các tháng mùa khô đầu năm 2020, UBND tỉnh Bình Thuận vừa yêu cầu các Sở ngành, các địa phương thực hiện ngay công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình hạn hán, lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện, phổ biến kinh nghiệm tiết kiệm nước trong sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nước uống cho gia súc; thường xuyên chủ động làm việc với các Nhà máy thủy điện để duy trì lưu lượng chạy máy và thời gian chạy máy hợp lý nhất; quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, các hệ thống kênh nhằm giảm thất thoát và lãng phí nước.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận bố trí 36 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 để mở rộng hệ thống nước sạch tại một số nơi bức xúc, khẩn cấp để đảm bảo đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Còn các địa phương trong tỉnh Bình Thuận cũng chủ động thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
Trong đó, đối với huyện đảo Phú Quý, ngoài việc triển khai đầu tư 02 hồ chứa nước với công suất khoảng 50.000m3, UBND huyện Phú Qúy còn chỉ đạo các địa phương tích cực vận động các hộ gia đình có giếng khoan trên địa bàn xã, nhất là khu vực thôn Tân Hải và thôn Quý Hải, xã Long Hải triển khai cung cấp nước miễn phí cho nhân dân 24/24 giờ; đồng thời, tổ chức vận động các hộ cung cấp dịch vụ cung cấp nước bằng xe bồn chỉ được phép bán nước sinh hoạt với giá vừa đủ chi phí.
Còn UBND huyện Bắc Bình khẩn trương nắm bắt tình hình, rà soát cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho các gia đình đang gặp khó khăn, nhất là các hộ có nguy cơ thiếu đói do hạn hán; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước hiện có trong các hệ thống công trình thủy lợi tại địa phương; bảo vệ chặt chẽ mọi nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí.