TP.HCM: Bất an trên những chuyến phà ngang

Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 24/03/2020

(TN&MT) - Ở một số quận, huyện tại TP.HCM, hiện có nhiều bến phà, bến đò dù có trang bị áo phao, song người đi trên phương tiện vận tải đường sông không chịu mặc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. 

Áo phao được treo đầy hai bên thành phà nhưng hầu như không hành khách nào mặc

Chiều ngày 23/3, chúng tôi có mặt tại khu vực bến phà Nhị Bình (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn). Bên này sông Sài Gòn đang mùa nước lớn, là địa phận TP.HCM, phía bên kia sông là địa bàn tỉnh Bình Dương. Nếu đi từ huyện Hóc Môn sang tỉnh Bình Dương bằng đường bộ, những  người đi xe máy phải đi đường vòng mất khoảng 10km, rất mất thời gian, còn đi qua phà tại bến Nhị Bình, hành trình rút ngắn đáng kể.

Thời điểm này trên sông có 2 chiếc phà lớn, mỗi chiếc ước chở gần 100 người cùng ô tô, xe máy. Do lượng người qua lại khá đông, nên 2 chiếc phà liên tục sang sông. Buổi chiều, nước trên sông dâng cao, chảy xiết. Tại khu vực bến phà, ngành chức năng có gắn bảng thông báo: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với  hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Thông báo là vậy, nhưng mọi hành khách đi phà qua sông đều phớt  lờ. 

Chị Nguyễn Thanh Nhã, người dân xã Nhị Bình, vừa từ phía Bình Dương xuống phà đi qua hướng địa bàn TP.HCM, cho hay: “Mặc áo phao bất tiện, nó vướng víu và nóng nực dưới nắng chiều hanh khô. Với lại thời gian hành khách qua sông chỉ khoảng vài phút, chưa kịp mặc xong thì đã phải cởi ra. Cho nên, mình thấy không cần thiết phải mặc”. Khi được hỏi: “Nếu có tình huống bất trắc xảy ra, liệu chị có kịp mặc áo phao không?”, chị Nhã nói rằng sống chết thì mỗi người đều có số cả, trời  kêu ai nấy dạ thôi!

Quan sát tại bến phà Nhị Bình, chúng tôi thấy việc trang bị áo phao chỉ mang tính hình thức, đối phó. Áo phao treo đầy hai bên thành phà, nhưng chẳng ai buồn đeo. Mặc dù đã có tấm biển “quý khách đi đò mặc áo phao là đảm bảo an  toàn tính mạng”, nhưng tất cả hành khách đi phà đều không chấp hành. 

Nhiều người cho rằng "sống chết có số" nên phớt lờ việc mặc áo phao khi đi phà

Tương tự, tại Bến phà Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ), tình hình cũng không khác là bao. Bến phà Bình Khánh là một trong những bến phà lớn nhất tại TP.HCM. Dù phà phải đi qua một khúc sông rất rộng, sóng to gió lớn, trên phà áo phao mới và các phương tiện cứu hộ được treo ngay trước mặt hành khách, nhưng phần đông số người đi phà không mặc áo  phao. Một nhân viên trên phà tâm sự: “Áo phao cũng được trang bị trên phà đầy đủ, nhưng khách đi phà không mặc thì chúng tôi cũng không ép được”.

Thông tư số 15/2012/TT của Bộ Giao thông Vận tải quy định: Mỗi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện, từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.

Tuy nhiên, thực tế tại một số bến phà ở TP.HCM nhiều hành khách vẫn chưa tuân thủ quy định này. Mặc dù từ trước đến nay, tai nạn đường thủy luôn gây nên hậu quả khôn lường. Việc khai thác bến khách sang sông ở nhiều nơi tại TP.HCM mới chỉ quan tâm đến lợi ích  kinh tế, còn hoạt động đảm bảo an toàn cho khách đi phà, đò chưa được chú ý đúng mức.

Thục Vy