TP. Cần Thơ phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH bền vững

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:17, 24/03/2020

(TN&MT) - Thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2012 - 2020, Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, UBND quận, huyện triển khai thực hiện, từ đó, công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Lồng ghép vào các kế hoạch phát triển

Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã luôn quan tâm và chỉ đạo sâu sát về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH. Đồng thời, UBND TP. Cần Thơ cũng chỉ đạo cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực thông qua việc triển khai thực hiện các dự án, chương trình, kế hoạch hành động trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, các nội dung về phòng, chống thiên tai, thích ứng BĐKH đã được lồng ghép xuyên suốt trong lập và thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm. Trong đó, TP. Cần Thơ định hướng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bảo vệ môi trường, thích ứng BĐKH.

Dự án kè hai bên sông Cần Thơ là một trong những công trình trọng điểm của TP. Cần Thơ để ứng phó với BĐKH

TP. Cần Thơ cải tiến công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường; sàng lọc, lựa chọn các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; nhân rộng mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững; khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng; chú trọng bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; triển khai các giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH.

Trên cơ sở định hướng chung từ các quy hoạch của cấp trên, kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn và hàng năm, các ngành và lĩnh vực phân tích cụ thể tình trạng và khả năng chống chịu thiên tai của từng ngành, lĩnh vực, TP. Cần Thơ đã xác định các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức về ứng phó BĐKH cho cán bộ, người dân.

Triển khai nhiều công trình trọng điểm

Theo UBND TP. Cần Thơ, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH hướng tới phát triển bền vững, TP. Cần Thơ cũng luôn quan tâm chỉ đạo việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án để phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH trọng điểm, cấp bách trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, mạng lưới thủy lợi từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình, dự án trọng điểm như nạo vét tuyến kênh Thốt Nốt (quận Thốt Nốt); dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (quận Ô Môn). Cùng với đó, TP. Cần Thơ đang đẩy nhanh tiến độ dự án kè sông Cần Thơ, sông Thốt Nốt; sông Cái Răng Bé; rạch Cái Sơn và nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh Thắng Lợi 1 - Bốn Tổng thuộc các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ nhằm giữ ngọt, kiểm soát mặn, ứng phó BĐKH.

Còn tại khu vực đô thị, TP. Cần Thơ đã tranh thủ tối đa nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai các dự án ODA về nâng cấp đô thị nhằm cải tạo, chỉnh trang hệ thống sông, rạch. Tăng cường không gian xanh, mặt nước, giải quyết bức xúc về nước thải, thoát nước mưa, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị của thành phố theo hướng văn minh, sạch đẹp, hiện đại.

Ngoài ra, hệ thống cấp nước sạch nông thôn đã TP. Cần Thơ đã được đầu tư, nâng cấp để phòng chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH, đảm bảo đa số các hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch. Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ còn xây dựng và đưa vào vận hành 5 trạm quan trắc không khí, nước tự động liên tục nhằm tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo về tài nguyên môi trường.

Hồ Bún Xáng (Ninh Kiều) được xây dựng hoàn thành sẽ góp phần hạn chế ngập lụt khu vực nội thị TP. Cần Thơ

Trong công tác giảm nhẹ phát thải nhà kính, thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, các Sở ngành chức năng TP. Cần Thơ thường xuyên hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; chuyển giao khoa học kỹ thuật về các phương thức canh tác áp dụng trong sản xuất nông nghiệp sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường; triển khai thí điểm nhiều mô hình về sử dụng năng lượng mặt trời, tiết kiệm năng lượng.

Trong giai đoạn năm 2012 - 2018, TP. Cần Thơ cũng rất quan tâm triển khai thực hiện các dự án mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố. Trong đó, nổi bật là các dự án Thí điểm thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng được thực hiện tại phường Thới An Đông (Bình Thủy) hay dự án Quản lý lũ lụt và sạt lở đất ở đô thị dựa vào cộng đồng được thực hiện tại phường An Bình (Ninh Kiều).

Theo UBND TP. Cần Thơ, thông qua việc triển khai các dự án này đã giảm thiểu rủi ro và cải thiện an toàn cho hộ dân dễ bị tổn thương; xây dựng mối liên kết giữa cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ khu vực bờ sông; khôi phục hệ thống kênh thoát nước cũ; nâng cao nhận thức và năng lực quản lý ngập lụt cho các cơ quan liên quan, cộng đồng, tình nguyện viên, tổ tự quản và người dân địa phương.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Quốc gia về BĐKH đạt hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2030, UBND TP. Cần Thơ kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH; đồng thời, hoàn thiện đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các công trình tạo đột phá cho phát triển của thành phố.

UBND TP. Cần Thơ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù ứng phó BĐKH, xâm nhập mặn tại địa phương nhằm tăng cường hiệu quả triển khai các nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; ứng phó BĐKH đạt hiệu quả hơn trên địa bàn thành phố.

TP. Cần Thơ còn kêu gọi các dự án tài trợ từ các Chính phủ và Tổ chức quốc tế cho lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường; đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thủy lợi kết hợp với giao thông, điện và bố trí ổn định đời sống dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai. 

Theo UBND TP. Cần Thơ, BĐKH là lĩnh vực không còn mới, diễn ra ngày càng mạnh mẽ và có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đòi hỏi phải có công cụ kỹ thuật để cảnh báo, dự báo sớm và chính xác, giúp ứng phó BĐKH đạt hiệu quả cao, giảm thiệt hại mức thấp nhất; đồng thời, cũng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa.

Theo UBND TP. Cần Thơ, thời gian qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, thành phố cũng luôn ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho các dự án ứng phó với BĐKH. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2019, tổng nguồn vốn đã phân bổ cho các dự án ứng phó BĐKH trên địa bàn thành phố là gần 4.382 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là trên 312 tỷ đồng, ngân sách TP. Cần Thơ là trên 1.981 tỷ đồng, vốn nước ngoài (ODA) trên 2.087 tỷ đồng.

Cùng với đó, hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học; lựa chọn các vật liệu mới, kỹ thuật mới, các thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và giảm lượng chất thải; triển khai các công nghệ xử lý và tái sử dụng chất thải sinh hoạt nông thôn, chất thải tại các cơ sở sản xuất, làng nghề.

Cũng theo UBND TP. Cần Thơ, công tác ứng phó BĐKH còn đòi hỏi phải có sự chung tay phòng tránh và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều địa phương, vì vậy, việc xây dựng cơ chế phối hợp cũng cần có quy định cụ thể, rõ ràng, đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương để kịp thời tập trung quản lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.

Lê Hùng