Chủ động để ứng phó
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:16, 24/03/2020
Không cần phải đợi đến cuối thế kỷ, người dân ĐBSCL hiện đã phải đối mặt với đủ thứ rủi ro. Đó là hệ quả của tác động từ những biểu hiện của các yếu tố cực đoan như: Nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra thường xuyên hơn, gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh, thành khu vực này.
Các yếu tố cực đoan của BĐKH đã làm gia tăng, tạo áp lực lớn đến vựa lúa của vùng ĐBSCL. Thực tế hơn 20 năm qua cho thấy, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với những yếu tố cực đoan do BĐKH gây ra. Tại ĐBSCL, các giải pháp tái định cư dân vùng lũ vào các cụm tuyến dân cư đã được thực hiện từ khá sớm - từ năm 1996. Sau năm 2000, giải pháp bắt đầu chuyển dần sang những phương án sống chung với lũ.
Ảnh minh họa |
Nhưng, dường như các chính sách, kế hoạch ứng phó BĐKH tại ĐBSCL trong thời gian qua vẫn thiên về ứng phó với vấn đề thừa nước và tái định cư tại chỗ, chứ chưa có các định hướng mang tính chiến lược và phương án cụ thể để ứng phó với hạn hán và nguy cơ di dân ồ ạt từ nông thôn lên các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm và sinh kế thay thế.
Làn sóng di cư mới sẽ tạo áp lực lên cả nơi đi lẫn nơi đến. Ở nơi đi, việc di dân ồ ạt của nhóm dân cư trẻ và có sức lao động sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt lao động và gây khó khăn càng lớn hơn cho việc phục hồi sản xuất ở những vùng bị hạn hán, ngập mặn. Ở nơi đến, cơ hội việc làm không đủ cho lao động phổ thông. Các dịch vụ như y tế, giáo dục, an sinh xã hội chưa được chuẩn bị để tiếp nhận một lượng lớn dân di cư. Hậu quả là nhóm di cư sẽ trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong cuộc sống đô thị, ít được bảo vệ, tiền lương được trả không tương xứng với sức lao động, khó tiếp cận các dịch vụ nhà ở xã hội nên sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm và không được chăm sóc sức khỏe tốt khi ốm đau vì không có bảo hiểm y tế…
Thực ra, những cảnh báo về tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã được các nhà khoa học đưa ra từ gần 20 năm trước, theo đó Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do BĐKH.
Theo kịch bản phát thải cao, cuối thế kỷ XXI, toàn dải ven biển Việt Nam có nước biển dâng trong khoảng từ 57 - 73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều nhất - đến 105cm. Việt Nam có thể mất đến 2,5 triệu héc-ta đất và 10 triệu dân buộc phải di cư. Một phần lớn diện tích của ĐBSCL sẽ bị mất do ngập nước và xâm nhập mặn.
Rất nhiều người từng cho rằng những con số nêu trên chỉ có ý nghĩa tham khảo và cho dù biến đổi khí hậu có hiện hữu đi nữa thì hậu quả cũng không nghiêm trọng đến như thế và rằng chúng ta còn nhiều thời gian từ đây cho đến tận cuối thế kỷ để xử lý những hậu quả này từng bước một.
Thế nhưng, ngay trong những ngày tháng này, ĐBSCL đã điêu đứng bởi hạn và xâm mặn. Ngay với nguồn nước ngầm ở vùng ĐBSCL cũng cạn kiệt và ô nhiễm. Bởi lẽ, chỉ với 3 tỉnh là Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau người dân và doanh nghiệp đã khoan hơn 291.000 giếng để lấy nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản
Nguồn nước ở ĐBSCL ngày càng suy kiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững đối với khu vực. Người dân trồng lúa, trồng cây ăn trái vốn chiếm số đông ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị mất sinh kế, mất việc làm, mất thu nhập. Và rất có thể, một bộ phận sẽ bị buộc phải trở thành dân tỵ nạn môi trường - những người buộc phải di cư kiếm sống do không thể canh tác trên chính mảnh đất của mình.
Nguy cơ ấy, chúng ta cần nhìn sớm để không giật mình và có kế sách ứng phó khi nó xảy ra.