Điện Biên: Nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:34, 23/03/2020
Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 15 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 13 hồ chứa đã đưa vào khai thác sử dụng. |
Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết: Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 15 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 13 hồ chứa đã đưa vào khai thác sử dụng; hồ chứa có dung tích lớn nhất là hồ Pa Khoang (42,04 triệu m3), hồ chứa có dung tích nhỏ nhất là hồ Bồ Hóng (0,30 triệu m3). UBND tỉnh Điện Biên đã cấp 27 Giấy phép cho 21 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó có: 20 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, 7 Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước ngầm.
Để bảo vệ tài nguyên nước, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 29/12/2016. Trên cơ sở đó, đảm bảo được dòng chảy tối thiểu để duy trì hệ sinh thái trên sông theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chất dứt việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và đa dạng sinh học.
Hồ Pa Khoang có dung tích (42,04 triệu m3) |
Trong quá trình xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước, tỉnh Điện Biên bảm đảm sự thống nhất giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển rừng, yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh với quy hoạch khai thác, sử dụng nước và quy hoạch lưu vực sông ở cấp quốc gia cũng như ở cấp vùng và địa phương. Thông qua Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt để phân bổ, chia sẻ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy môi trường.
UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản nhằm triển khai các quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm triển khai tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá giới hạn khai thác đối với các dòng sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước, chú trọng các dòng chính trên các lưu vực sông lớn.
Cán bộ Công ty cổ phần cấp nước Điện Biên kiểm tra chất lượng nước tại Nhà máy nước thành phố Điện Biên Phủ. |
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp chống ô nhiễm nguồn nước mặt, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên nước quá mức làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm tính toàn vẹn của hệ sinh thái thủy sinh. Kiểm sát chặt chẽ các hoạt động thăm dò nước dưới đất, các hoạt động xả thải vào nguồn nước, hạn chế việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước.
Tỉnh Điện Biên cũng đã hình thành hệ thống quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở các cấp, phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước với tổ chức quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và cung cấp dịch vụ về nước.
Cũng theo Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên: Để tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, Sở TN&MT Điện Biên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước, xả thải chưa qua xử lý tới nguồn nước. Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hoạt động khai thác, sử dụng nước xả nước thải vào nguồn nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dướt đất trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước.