Đà Nẵng: Nhiều sáng chế thông minh “đẩy lùi” Covid-19
Xã hội - Ngày đăng : 18:31, 23/03/2020
Siêu dây chuyền sản xuất tự động 100 khẩu trang/phút
Trước tình trạng khan hiếm của khẩu trang y tế, sự ra đời của dây chuyền sản xuất khẩu trang khá cần thiết. Trong vòng 15 ngày, công ty TNHH Châu Đà, TP. Đà Nẵng tập trung nguồn nhân lực, nghiên cứu dây chuyền sản xuất khẩu trang.
Dây chuyền sản xuất khẩu trang tự động của Công ty TNHH Châu Đà |
Về đặc điểm, ông Tô Tấn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Châu Đà cho biết, khi sản suất, thiết bị chạy với công suất 100 khẩu trang/ 1 phút. Chất lượng khẩu trang đạt tối thiểu theo nhu cầu thị trường đang sử dụng. Khi mà hoàn thiện thiết kế, công ty có thể đáp ứng 20-25 ngày/ 1 dây chuyền sản xuất khẩu trang
“Trước mắt khi có thể sản xuất, công ty mong muốn đáp ứng đủ nhu cầu cho Đà Nẵng, sau đó mới tiếp tục triển khai những địa phương, vùng lân cận trên cả nước”, ông Dũng nói.
Trong bối cảnh hiện nay, Sở Khoa học-Công nghệ TP. Đà Nẵng quan tâm, khuyến khích những sáng chế, đổi mới công nghệ nhằm hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, việc nghiên cứu tạo ra công nghệ thay thế cho các sản phẩm nhập khẩu và khẩu trang là một trong những mặt hàng được quan tâm nhất hiện nay.
Có thể sản xuất tự động 100 cái/1 phút |
Khi đề cập đến dây chuyền sản suất khẩu trang này, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng cho biết, đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành cơ khí tự động hóa của thành phố, họ đã tiếp cận rất nhanh và đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất tự động với công suất 100 khẩu trang/1 phút, tức 6.000cái/h. Sở KH&CN đã và sẽ kết nối kết quả nghiên cứu chế tạo với các doanh nghiệp có nhu cầu và cam kết hỗ trợ để đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế.
Ngoài ra, trước thực trạng nguyên liệu sản xuất khẩu trang được nhập từ nước ngoài, mà cụ thể là Trung Quốc có khả năng khan hiếm, Sở cũng đang hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu phủ Nano bạc trên nguồn vải của Việt Nam để thay thế lớp kháng khuẩn ngoại nhập. Việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thành công sẽ giúp cho doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn thay thế được nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang trên thị trường”, ông Hoàng chia sẻ.
Dây chuyền sẽ góp phần góp phần giảm tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang trên thị trường |
Robot tải 100kg phục vụ tại khu cách ly
Sau gần 10 ngày nghiên cứu, ngày 23/3 Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) đã bàn giao robot cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Robot “BK-AntiCovid” được nhóm giảng viên khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chế tạo nhằm phục vụ bệnh nhân tại khu cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm Covid-19, giảm khả năng lây lan cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.
Theo đó, Robot này có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm; đồng thời có thể theo dõi quan sát tình trạng đối tượng được cách ly từ xa, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, nhờ đó bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo virus Covid-19.
Robot được điều khiển bằng tay với một nút điều chỉnh đa hướng, tốc độ di chuyển theo yêu cầu nên tương đối dễ dàng khi sử dụng, được thiết kế, chế tạo bằng thép không gỉ, cấu trúc tinh giản, hạn chế góc cạnh, dễ dàng phun thuốc khử trùng nhưng không thấm nước, có thể mang tải trọng tối đa 100 kg. Rrobot còn được gắn thêm camera và loa để bác sĩ có thể quan sát tình trạng bệnh nhân.
Thiết bị robot phục vụ tại khu cách ly bằng điều khiển từ xa |
Sau mỗi lần sử dụng, nhân viên y tế có thể phun khử khuẩn cho robot mà không sợ ảnh hưởng đến vi mạch điện tử bên trong.
Theo nhóm nghiên cứu, khó nhất trong chế tạo robot “BK – Anticovid” là sản phẩm phải khép kín để đạt yêu cầu chống nước, tính toán công suất động cơ sao cho đủ tải và gia công cơ khí.
Được biết, từ khi nhận yêu cầu đặt hàng cho đến hoàn thành sản phẩm, nhóm mất khoảng 7 ngày, trong đó, công việc thiết kế, chế tạo, lập trình, gia công linh kiện, chế tạo mạch đấu nối dây và khung giàn 5 ngày và kiểm tra chạy thử trong 2 ngày.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Chế tạo robot là một thế mạnh của trường, với trách nhiệm xã hội của mình chúng tôi luôn luôn trăn trở với các vấn đề cuộc sống đặt ra, cố gắng bằng nguồn lực và trí tuệ của mình đó là đội ngũ giảng viên và các em sinh viên tham gia vào những hoạt động, cùng chung tay cùng cộng đồng, đặc biệt trong thời gian này đang xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Khi nhận được đặt hàng của bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, chế tạo robot với khoảng thời gian rất ngắn, chưa tới 10 ngày. Đến nay robot đã hoàn thành theo đúng yêu cầu tính năng như đã đề ra. Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số tính năng hỗ trợ như đo thân nhiệt từ xa.
Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng cho biết: Nhận sự chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Y tế, hiện bệnh viện đang theo dõi, chăm sóc cho 20 trường hợp là bà mẹ mang thai, trẻ em từ vùng dịch ở nước ngoài về nước.
Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) đã bàn giao robot cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. |
Việc đưa robot này vào sử dụng sẽ hỗ trợ công tác điều trị, cũng như theo dõi bệnh nhân cách ly, giảm tải công việc cho y bác sĩ, giảm lây lan dịch bệnh cho nhân viên y tế. Đây là thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng được kịp thời đưa vào ứng dụng trong đời sống và bệnh viện rất vui mừng khi được được thành quả này.