Điện Biên: Cần tăng cường quản lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
Môi trường - Ngày đăng : 14:54, 23/03/2020
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tổng lượng thuốc BVTV mỗi năm khoảng 150-200 tấn, tương đương hàng chục tấn lượng bao, gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường. |
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc BVTV có vai trò quan trọng đối với phòng ngừa sâu bệnh gây hại cho cây trồng, tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc BVTV sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh. Trong khi đó, phần lớn thuốc BVTV có dạng gói, chai lọ nhựa khó phân hủy và sau khi sử dụng vẫn còn tồn đọng trong đó một lượng hóa chất, nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ dễ bị ngấm theo nguồn nước vào kênh mương, ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước.
Tại nhiều địa phương, tình trạng vỏ, bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom bỏ vào nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường. |
Theo ước tính, trên địa bàn tỉnh Điện Biên tổng lượng thuốc BVTV mỗi năm khoảng 150-200 tấn, cùng với đó lượng bao, gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng thải ra là rất lớn. Với địa bàn huyện Điên Biên có trên 4.000ha lúa 2 vụ, trên 8.000ha rau màu vụ chiêm xuân, cùng hàng trăm héc ta cây ăn quả. Các xã trong huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kinh tế dựa vào trồng lúa và các loại cây rau màu, do vậy nhu cầu sử dụng thuốc BVTV là cần thiết để tránh sâu bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ và hiện nay khâu thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các địa phương vẫn đang gặp phải những khó khăn.
Mô hình bể chứa thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (Điện Biên). |
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch xã Thanh Xương, cho biết: Người dân trong xã chủ yếu là trồng lúa, ngô, hoa màu. Hiện nay, do điều kiện thời tiết thay đổi nên sâu bệnh trên cây trồng có những diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với bao gói thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên. Khâu thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các thôn, bản cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trước đây, một số người dân do nhận thức còn hạn chế nên nhiều vỏ bao, chai lọ chứa thuốc BVTV sau khi sử dụng có thói quen là vứt bừa bãi, ném thẳng xuống bờ ruộng, mương máng, sông suối dẫn đến tình trạng vỏ chai lọ thuốc BVTV trôi nổi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hơn hết là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và an toàn vệ sinh thực phẩm của cả cộng đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sỹ, thời gian qua, công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và thu gom bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng được các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Công tác thu gom, xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật được xã chú trọng quan tâm. Bên cạnh đó, xã Thanh Xương đã chủ động bố trí nguồn lực xây dựng 9 bể chứa thu gom bao, gói thuốc BVTV và xây dựng theo các tuyến đường nội đồng và hàng tháng Đoàn thanh niên cùng với người dân các thôn, bản tập trung đi thu gom đổ vào bể chứa và đưa đi xử lý theo quy định. Kết quả từ khi những bể thu gom, vỏ thuốc BVTV được xây dựng, tình trạng vứt không đúng chỗ đã giảm hẳn, ý thức bảo vệ môi trường đặc biệt là cách tiêu hủy bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng của người dân trong xã ngày càng nâng cao và có trách nhiệm hơn. Đây được xem là giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, đất đai cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp.
Thiết nghĩ, việc thu gom và xử lý bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng là vấn đề cấp thiết cần được các địa phương tích cực thực hiện, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm mỗi trường, nguồn nước và sức khỏe của cả cộng đồng. Cùng với đó, các cơ quan, ban ngành cùng chính quyền địa phương các xã đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nhận thức của người dân về việc thu gom và xử lý bao, gói thuốc BVTV sau khi sử dụng, đúng nơi quy định. Qua đó, khuyến khích người dân hướng tới những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, nhằm giảm thiểu lượng bao, gói thuốc BVTV xả ra môi trường làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sức khỏe của người dân.