Yên Bái: Nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch có nhiều thay đổi

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:32, 23/03/2020

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang từng bước thay đổi tập quán sử dụng nước sinh hoạt từ giếng khoan tay, nước suối, khe sang dùng nguồn nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.

Nhận thấy việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người, tỉnh Yên Bái đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước sinh hoạt tập trung, sử dụng các nguồn vốn thuộc các chương trình như: Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, nông thôn mới, 134, 135, 30A....để xây dựng mới và cải tạo sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh sử dụng nguồn vốn 62 giúp nhân dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ.

Nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi tích cực

Nhờ đó, thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch đã có nhiều thay đổi, nơi nào có nước sạch người dân không phải mắc nước từ trên núi, trên khe hoặc nước giếng không hợp vệ sinh về sử dụng nữa. Nước sạch về vùng nông thôn đã giải quyết một phần khó khăn, giúp ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau gần 5 thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (chương trình) với sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới. Chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn, tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 86% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 72% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh và gần 95% trạm y tế có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Xã Xuân Ái, huyện Văn Yên là một trong những xã được hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình, sau gần 5 năm triển khai toàn xã có 90% hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 84% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và 1 công trình nước sạch tập trung. Đường nước được dẫn về tận nhà, không còn lo nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bà Nguyễn Thị Tơ - Thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên phấn khởi khi được sử dụng nước sạch chia sẻ: “Ngày trước tất cả các hộ dân trong thôn đều phải sử dụng nước trên khe núi dẫn về, khi người dân phun thuốc để trồng cấy rất sợ bị nhiễm thuốc nhưng giờ thì yên tâm rồi. Từ ngày có nước sạch gia đình cũng không bị một số bệnh ngoài da hay mắc các bệnh về mắt, nhà có trẻ con cũng cảm thất yên tâm hơn”.

Người dân phấn khởi khi được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh

Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cho biết: Sau khi triển khai chương trình này, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc sử dụng nước sạch, hợp sinh, không còn kéo nước từ trên núi về dùng mà chuyển hẳn sang dùng nước sạch. Từ đó, góp phần nâng cao sức khỏe và duy trì chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của xã. Sau hơn 3 năm triển khai chương trình, xã đã có 90,4% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,8% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh và 1 công trình nước sạch tập trung.

Qua tìm hiểu thực tế, từ khi có chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại xã Xuân Ái người dân rất phấn khởi, nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đã được nâng lên rất nhiều.

Ông Phạm Quốc Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết: Trong những năm qua, chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả cấp nước an toàn cho người dân. Tích cực tuyên truyền về sự cần thiết trong sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổ chức các hoạt động vệ sinh nơi công cộng và sửa chữa các công trình cấp nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Trong thời gian tới, để tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh, Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở chỉ đạo đơn vị chuyên môn bằng nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cách sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch. Cùng với đó sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội vận động nhân dân xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ (Giếng đào, giếng khoan..).

Với mục tiêu, đến hết năm 2020 tỷ lệ người dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%, tiến tới đạt tỷ lệ dân số có 95% người dân nông thôn được tiếp cận nước sinh hạt hợp vệ sinh vào năm 2025.

Thanh Ngà