Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tối 21/3: Số người chết tăng đột biến, châu Âu kêu gọi biện pháp nghiêm ngặt hơn
Thời sự - Ngày đăng : 20:16, 21/03/2020
Ngoài ra, trong ngày 20/3, nhiều người trên khắp châu Âu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại các nước châu Âu đã lên tới 130.000 người, chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm trên thế giới.
Sự lây lan nhanh chóng của virus đòi hỏi phải thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp chống virus và các bước quyết liệt hơn của các quốc gia châu Âu.
Số người chết vì COVID-19 tăng đột biến
Theo dữ liệu từ chính phủ Ý, tại Ý, 627 bệnh nhân đã chết vì COVID-19 chỉ trong vòng 24 giờ ngày 20/3. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất nước Ý, đưa số người chết vì COVID-19 tại nước này lên 4.032. Trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó, số ca tử vong thấp hơn ngày 20/3, với 427 người chết.
“Ngoài ra, 2.655 bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt, tăng nhẹ so với 2.498 bệnh nhân trong một ngày trước đó”, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý công bố dữ liệu mới ngày 20/3.
Tính đến hết ngày 20/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã lên tới 47.021.
Các nhân viên y tế mặc áo bảo hộ tại một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha vào ngày 20/3/2020. Ảnh: Francisco Avia / Tân Hoa Xã |
Tây Ban Nha cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh về cả số người chết và ca nhiễm trong ngày 20/3. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, 1.002 người đã tử vong vì căn bệnh COVID-19 tính đến giữa trưa ngày 20/3, tăng thêm 235 người chết so với một ngày trước.
Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha đang tiến gần mốc 20.000 người, với 19.980 trường hợp nhiễm được xác nhận tính đến 12 giờ trưa 20/3 - tăng 2.833 trường hợp từ một ngày trước đó.
Trên khắp châu Âu, tổng số người chết vì COVID-19 vào khoảng 6.000 người tính đến tối 20/3. Tại Pháp, 450 bệnh nhân COVID-19 đã chết và tổng số ca nhiễm bệnh đã tăng lên đến 12.612 cho đến hết ngày 20/3. Virus này cũng đã cướp đi mạng sống của 177 người ở Anh và 106 người ở Hà Lan.
Thực thi biện pháp nghiêm ngặt hơn
Ý hôm 20/3 tuyên bố sẽ kêu gọi quân đội thực thi việc phong tỏa ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đất nước.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin: Lệnh phong tỏa này – cụ thể như: cấm mọi người rời khỏi nhà của họ trừ khi có lý do "thiết yếu", như thăm khám y tế, đến cửa hàng tạp hóa hoặc nhà thuốc - đã không được thực thi nghiêm ngặt, đặc biệt là ở miền Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19.
Vào ngày 20/3, các quan chức chính quyền khu vực tuyên bố quân đội sẽ được huy động để giúp thực thi các lệnh phong tỏa. Theo giới chức trách khu vực, ban đầu, chỉ có vùng Bologna, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm thủ đô kinh tế Milan của Ý huy động binh sĩ, nhưng nhiều khu vực sau đó cũng có thể huy động.
Cũng trong ngày 20/3, chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trên những con đường dẫn ra khỏi các thành phố chính của đất nước để đảm bảo người dân ở trong nhà trong thời gian đất nước phong tỏa.
Theo chính phủ nước này, Lực lượng Bảo vệ Dân sự sẽ thực hiện kiểm tra việc kiểm soát vào cuối tuần này để ngăn người dân đi đến những ngôi nhà thứ hai của họ ở nông thôn hoặc trên bãi biển.
Tại London, thủ đô của Anh, Thủ tướng Anh Vladimir Johnson ra lệnh các quán cà phê, quán bar, quán rượu và nhà hàng trên khắp nước Anh phải đóng cửa từ tối 20/3 để ngăn chặn sự lây lan của virus.
“Câu lạc bộ đêm, nhà hát, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và trung tâm giải trí cũng phải đóng cửa cùng thời gian này”, ông Johnson cho biết trong cuộc họp ngắn hàng ngày ở phố Downing.
Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính bang Bavaria của Đức, ông Markus Soeder tuyên bố: “Bavaria, bang lớn nhất ở miền Nam nước Đức đã quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm và hạn chế hơn nữa đối với đời sống công cộng để làm chậm sự lây lan của virus”.
"Chúng tôi đang đóng cửa gần như hoàn toàn cuộc sống công cộng ở Bavaria” – ông Soeder nói.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 21/3, dân số Bavaria sẽ ở trong nhà và chỉ đi ra ngoài trong những trường hợp đặc biệt trong 14 ngày tới.
Vũ Hán mang đến hy vọng
Ngày 20/3, tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Vũ Hán, tâm điểm của dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc đang mang đến hy vọng cho những nơi còn lại trên thế giới rằng tình hình nghiêm trọng nhất của COVID-19 có thể được giải quyết.
Gọi đó là "thành công", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ghi nhận không có ca nhiễm mới lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.
Theo Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc, không có trường hợp nhiễm mới hoặc nghi ngờ nhiễm trong ngày 19/3 tại Vũ Hán, đánh dấu hai ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cuộc chiến kéo dài hàng tháng với virus tại thành phố này.
"Kinh nghiệm của các thành phố và quốc gia đã đẩy lùi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 này mang lại hy vọng và sự can đảm cho các khu vực còn lại của thế giới”, ông Tedros cho biết.
Gui Xin (bên phải) từ Bệnh viện số 1 Vũ Hán ôm Wang Bokun, một nhân viên y tế từ Thiên Tân, khi Wang rời khỏi Vũ Hán vào ngày 21/3/2020. Ảnh: Fei Maohua / Tân Hoa Xã |
Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO, ông Mike Ryan cho biết đây là thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi gắm đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới rằng virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt, chuỗi truyền của virus có thể bị phá vỡ thông qua nỗ lực toàn xã hội, sự phối hợp, đoàn kết, cam kết và chuỗi cung ứng khả thi, cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng và đội ngũ nhân viên y tế dũng cảm.
"Đó là một thông điệp hy vọng cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, những nơi có số ca nhiễm rất thấp trong lúc này", ông Ryan cho biết thêm.
Theo ông Tedros, COVID-19 dường như đạt được một cột mốc mới và bi thảm mỗi ngày, khi toàn cầu xác nhận hơn 210.000 ca nhiễm, bao gồm hơn 9.000 trường hợp tử vong.
"Mỗi mất mát là một thảm kịch", ông Tedros nói nhưng theo ông mất mát cũng chính là "động lực" để nhân đôi và làm mọi thứ mọi người có thể để ngăn chặn sự lây truyền của virus và cứu sống con người.
WHO ra mắt dịch vụ thông báo sức khỏe cho hàng tỷ người
Ngày 20/3, WHO đã ra mắt dịch vụ nhắn tin với các đối tác WhatsApp và Facebook để giúp mọi người an toàn trong cuộc chiến chống COVID-19.
Dịch vụ nhắn tin dễ sử dụng này có khả năng tiếp cận 2 tỷ người và cho phép WHO gửi thông tin trực tiếp đến tận tay những người cần nó.
Từ các nhà lãnh đạo chính phủ đến nhân viên y tế cũng như gia đình và bạn bè đều nhận được những tin tức và thông tin mới nhất về COVID-19 qua dịch vụ nhắn tin này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng COVID-19 dường như đạt được một cột mốc mới và bi thảm mỗi ngày |
Những tin tức bao gồm các thông tin về triệu chứng và biện pháp mọi người có thể áp dụng để tự bảo vệ mình và những người khác. Tin tức cũng bao gồm các báo cáo và số liệu tình hình mới nhất trong thời gian thực để giúp những người ra quyết định của chính phủ bảo vệ sức khỏe của người dân.
Dịch vụ có thể được truy cập thông qua một liên kết mở một cuộc trò chuyện trên WhatsApp. Người dùng có thể chỉ cần gõ vào “hi” để kích hoạt cuộc trò chuyện, gợi nhắc danh sách các tùy chọn có thể giúp trả lời câu hỏi của họ về COVID-19.
Thông báo Sức khỏe của WHO được được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa WHO với Praekelt.Org - sử dụng công nghệ học máy Turn.
Tính đến 17h ngày 21/3/2020, số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới lần lượt là 277.301 và 11.431. Trong đó, tại lục địa Trung Quốc, có 81.013 người mắc và 3.255 người tử vong; 184 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc xác nhận 196.288 ca nhiễm và 8.176 người tử vong.
Tại Việt Nam, đã có 92 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1); 1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).