Tôi yêu nghề dự báo

Môi trường - Ngày đăng : 06:44, 20/03/2020

(TN&MT) - Hồi còn học phổ thông, khi đọc Lặng lẽ Sapa, cảm phục những con người một mình nơi rẻo cao, tôi cũng bắt đầu mường tượng ra hình ảnh những người làm công tác bắt bệnh ông trời, “nghề quan thiên giám”.

Bản thân tôi khi lựa chọn nghề nghiệp này, ngoài niềm yêu thích công việc liên quan đến thiên nhiên còn là sự kế thừa truyền thống gia đình. Dù vậy, khi mới bước chân vào nghề, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra nghề nghiệp của mình lại khác xa những gì được đọc, được xem qua báo đài, thậm chí là được học ở trường đại học.

Không ai nói với tôi rằng để ra được một bản tin thì cần phải trải qua những bước gì, tham khảo hằng xa số mô hình, phải cân nhắc từng câu chữ ra sao để vừa sử dụng đúng thuật ngữ chuyên môn vừa ngắn gọn, súc tích để người dân nghe có thể hiểu ngay?

Các dự báo viên, quan trắc viên phải vượt qua điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn để quan trắc và dự báo

Gần đây, khi nghề nghiệp của chúng tôi ngày càng được xã hội quan tâm, khi đọc những tin tức về một trạm nào đó nơi đầu sóng ngọn gió, về sự gian khổ của chúng tôi khi phải vượt qua điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn để quan trắc và dự báo, về ca kíp... tôi lại thấy bùi ngùi, không phải vì cuộc sống của chúng tôi vất vả, không phải vì chúng tôi không nhận được nhiều quan tâm của nhà nước.

Cuộc sống của những dự báo viên, quan trắc viên những năm gần đây đã đỡ vất vả hơn rất nhiều nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị từ chế độ tiền lương, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nâng cao trình độ và nguồn nhân lực chất lượng...Thế nhưng, dường như vẫn còn người chưa biết đến, thậm chí chưa nghe bao giờ nghe đến nghề nghiệp của chúng tôi.

Có người đã ví nghề của chúng tôi như là một bác sĩ, những bác sĩ đặc biệt thăm khám cho thiên nhiên, người đưa ra phác đồ phòng bệnh cho người dân tránh được những tai ương từ “ông trời”. Thật vậy, hôm nay tôi sẽ đóng vai một bác sỹ, để kể cho các bạn nghe về 1 ca làm việc, một ca dự báo của nghề bắt bệnh ông trời - nghề dự báo.

Một ngày làm việc của tôi bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút sáng, sau khi số liệu quan trắc tại các trạm quan trắc khí tượng được tính toán, mã hóa và chuyển về bộ phận cập nhật thông tin dữ liệu. Số liệu được cập nhật theo giờ cố định (gọi là obs) và phát báo quốc tế, số liệu được chia sẻ toàn cầu.

Mỗi trạm quan trắc đều có giờ quan trắc, giờ chuyển điện theo quy định của quốc tế, không được chậm, sai một phút nào. Bởi vậy, dữ liệu khí tượng thực sự là không biên giới.

Sau khi cập nhật số liệu, để biết rằng hôm qua hay ngay lúc này nhiệt độ là bao nhiêu, mưa ở đâu lớn nhất và có hiện tượng thời tiết nào đã hoặc đang xảy ra hay không; chúng tôi tiến hành quan sát ảnh mây vệ tinh, ảnh radar.

Nếu như bác sĩ dùng phim chụp cắt lớp, chụp X-quang để thăm khám cho bệnh nhân thì chúng tôi thăm khám bầu trời bằng radar và các vệ tinh khí tượng. Nhờ những ảnh chụp từ vệ tinh hoặc những ảnh quét của radar mà chúng tôi biết được rằng ở đâu có mây dông phát triển, nơi nào hay khi nào có mưa, thậm chí là các hiện tượng thời tiết cực đoan như tố, lốc, mưa đá...

Dự báo viên là những bác sĩ thăm khám, bắt bệnh ông trời

Tất nhiên, càng những hiện tượng hình thành và xảy ra trong thời đoạn ngắn và không gian hẹp thì càng khó dự báo và cảnh báo. Đó cũng là khó khăn chúng tôi gặp phải, bởi vậy để có thể ban hành được những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời và có độ tin cậy cao thì không có cách nào khác ngoài việc phải theo dõi thời tiết 24/24h.

Khi đã nắm bắt được tương đối đầy đủ những diễn biến của các hiện tượng thời tiết diễn ra trên khu vực, chúng tôi tiếp tục tham khảo mô mình dự báo số trị. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ dự báo hiện đại, sử dụng sản phẩm mô hình dự báo số là sự phát triển tất yếu của tư duy dự báo. Tuy nhiên, dù dùng phương pháp gì, phân tích bản đồ, thống kê hay mô hình số thì quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là các dự báo viên.

Sau khi định hình được các hình thế thời tiết, phân tích và cập nhật các kết quả dự báo từ hàng loạt mô hình, chúng tôi tiến hành thảo luận, công việc tương tự như các bác sĩ hội chẩn vậy.

Đôi khi, có những ý kiến không đồng nhất và khi đó trách nhiệm tổng hợp, trách nhiệm phân tích và quyết định cuối cùng là của trưởng ca dự báo. Tất nhiên, ai quyết định thì người hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung bản tin.

Bước cuối cùng là ban hành bản tin và gửi bản tin cho các đơn vị có yêu cầu, nếu đó là bản tin thời tiết hàng ngày. Khi có thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, mưa lớn, nắng nóng...chúng tôi cần gửi kịp thời bản tin của mình tới các đơn vị chức năng có liên quan, đặc biệt là ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tham mưu cho các cấp chính quyền, các địa phương có phương án ứng phó và giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một quy trình khép kín như vậy diễn ra hàng ngày, bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay lễ tết, mưa dông hay bão giật. Đối với chúng tôi, những ngày thảnh thơi hiếm hoi là ngày thời tiết tốt, trời xanh và nắng đẹp.

Gần 10 năm gắn bó với nghề “Dự”, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì lựa chọn nghề nghiệp của mình. Mỗi cơn bão đi qua, mỗi đợt mưa lớn kết thúc, dù trước đó phải căng mình ra phát hành bản tin, dù thức trọn 2-3 đêm theo dõi thời tiết...Nhưng khi nhận được báo cáo thiên tai, thống kê không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng giảm đáng kể thì bao mệt mỏi đều tiêu tan.

Dù công việc của chúng tôi có phần lặng lẽ, mang tính đặc thù, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nản lòng khi gặp khó khăn trong công việc. Bởi khi đã chọn nghề, gắn bó với nghề nghiệp này, chúng tôi luôn tâm niệm làm tốt trách nhiện của mình, phục vụ cộng đồng, góp sức nhỏ bé đem lại bình yên cho người dân. Đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao.

Những dòng này được viết ra sau khi tôi vừa xuất bản một bản tin cảnh báo mưa dông. Một mình trong căn phòng đèn điện chưa bao giờ tắt, ngoài trời gió rít từng cơn, sấm chớp sáng cả một góc trời. Tôi không hoang mang hay buồn tủi mà chỉ mong sao ngày mai, khi trời sáng, ở đâu đó trên mảnh đất còn nhiều gian khó này không xảy ra thiệt hại. Cho dù thiên tai có bất thường cỡ nào, công việc có vất vả ra sao, tôi và những đồng nghiệp của mình vẫn hết lòng và tiếp tục dấn thân.

Thu Hường (Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang)