Doanh nghiệp xuất khẩu Việt: “Cái khó ló cái khôn”

Kinh tế - Ngày đăng : 14:06, 19/03/2020

(TN&MT) - Để hạn chế lây lan dịch Covid-19, nhiều nước đã đóng cửa biên giới, sân bay, trong đó có 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU và Mỹ. Điều này đang tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Khó khăn chồng chất

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,77 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 4,98 tỷ USD, giảm 7,7%; Trung Quốc: 4,84 tỷ USD, tăng 3,7%; ASEAN: 3,54 tỷ USD, giảm 9,2%; Nhật Bản: 3,19 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc: 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.

Các chuyên gia kinh tế đã dự báo, do sự lây lan nghiêm trọng của dịch Covid-19 trên toàn cầu nên mức tăng mà xuất khẩu đạt được trong 2 tháng đầu năm sẽ không kéo dài. Tăng trưởng xuất khẩu có thể âm trong các tháng tiếp theo khi tác động dịch bệnh được phản ánh đầy đủ. Bên cạnh đó, do ngại dịch Covid-19 sẽ khiến người tiêu dùng thế giới, trong đó có châu Âu hạn chế mua sắm, dẫn tới ảnh hưởng đến những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với lĩnh vực thương mại, ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng.

Đóng gói thanh long trước khi xuất khẩu

Một số tác động đã xảy ra trong thời gian vừa qua như kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu xuất và nhập; giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa hai nước bị hạn chế; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm. Gần đây, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã đóng cửa biên giới khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thêm khó khăn chồng chất.

Ông Lê Thanh Quang, Tổng Giám đốc Công ty xuất khẩu may mặc Thăng Long cho biết: “ Thị trường Mỹ và EU là 2 thị trường lớn nhất của Tổng Công ty chúng tôi hiện nay tạm thời đóng cửa biên giới, đồng thời hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, chúng tôi đã ký hợp đồng đến hết năm, đã vay tiền ngân hàng để mua nguyên vật liệu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xuất khẩu của công ty”.

Cùng tâm trạng lo lắng, ông Mai Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Xuân Thắng bày tỏ: “2 tháng vừa qua, tình trạng chung của xuất khẩu thủy sản là giảm ở hầu hết thị trường chủ lực là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng với công ty nhỏ như chúng tôi thì càng khó khăn hơn vì họ cắt hợp đồng trước tiên, chỉ giữ lại những đối tác lớn. Chúng tôi cũng không thể quay ngay sang thị trường nội địa vì cần thời gian và tìm hiểu thị trường”.

Dùng trí tuệ để vượt qua khó khăn

Trước tình cảnh khó khăn trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã nhanh nhạy thay đổi cơ cấu sản phẩm, những công ty xuất khẩu thủy sản, nông sản đang có hướng chuyển sang mặt hàng đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến để phục vụ thị trường trong nước. Công ty may mặc thì chuyển sang may khẩu trang, mặt hàng đang “nóng” hiện nay.

Theo Báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, Bộ đang triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi nước này kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường.

Trả lời với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, doanh nghiệp đã nhìn nhận thách thức rõ nét để tìm ra cơ hội mới. Việc chế biến ra bánh mỳ thanh long, dưa hấu cô đặc vừa qua đã cho thấy, “cái khó sẽ ló cái khôn” vốn đã là bản chất của người Việt.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Sáng tạo không nhìn ở giải cứu mà thể hiện trí sáng tạo của người sản xuất Việt Nam. Rõ ràng sự chuyển đổi của các doanh nghiệp chế biến rau quả khi sáng tạo ra nhiều công thức mới sẽ giúp cho chuỗi giá trị nông sản không chỉ bán thô, mà đổi mới từng bước để ra giá trị sâu nhất".

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa có trao đổi với lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và đề nghị các cơ quan liên quan Trung Quốc có các biện pháp tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng như hàng hóa qua biên giới đất liền giữa một số tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với Quảng Tây.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền, cũng như qua các tuyến vận tải đường sắt; đồng thời mở rộng diện nông sản, trái cây, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và các loại nông sản cũng như mở rộng diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Phạm Thu Hà