Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 19/3: Ngành hàng không "lao đao", ca nhiễm tại Ý, Pháp tăng cao

Thời sự - Ngày đăng : 08:52, 19/03/2020

(TN&MT) - Ngành hàng không trên toàn cầu đang chịu tổn thất ngày càng nặng nề khi dịch bệnh COVID-19 lan nhanh và rộng. Trong khi đó, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao tại Ý và Pháp cũng như nhiều nước châu Âu, với 475 ca tử vong trong ngày 18/3 tại Ý.

Ngành hàng không “chao đảo” vì COVID-19

Cho đến ngày 19/3, tình trạng hỗn loạn của ngành hàng không vẫn đang nghiêm trọng khi Qantas Airways Ltd (QAN.AX) – hãng hàng không của Australia cho hầu hết 30.000 nhân viên của hãng nghỉ phép. Trong khi đó, Ấn Độ đã chuẩn bị một gói cứu trợ lên tới 1,6 tỷ USD để hỗ trợ các hãng hàng không bị virus corona “đánh bại”.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn để đảm bảo cung cấp đủ và kịp các loại thuốc và thiết bị quan trọng như máy thở, khẩu trang và các vật dụng vệ sinh và sức khỏe khác nhằm giảm sự lây lan của COVID-19.

Hoạt động đi lại của hành khách bằng đường hàng không đã giảm với tốc độ chóng mặt khi virus SARS-CoV-2 lan rộng khắp thế giới, với Delta Air Lines Inc (DAL.N) dừng bay hơn 600 máy bay, cắt giảm 50% tiền lương và giảm tỷ lệ bay đến hơn 70% cho đến khi nhu cầu đi lại của hành khách bắt đầu lại sau đại dịch.

Cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ đã giảm mạnh vào ngày 18/3 sau khi bang Washington đề xuất gói cứu trợ 50 tỷ USD cho các khoản vay, nhưng không có khoản tài trợ dành cho ngành hàng không để giúp giải quyết tác động tài chính từ cuộc khủng hoảng virus corona ngày càng nghiêm trọng.

Đề xuất cho vay của chính quyền Trump sẽ yêu cầu các hãng hàng không duy trì một lượng dịch vụ nhất định và hạn chế tăng mức bồi thường điều hành cho đến khi các khoản vay được hoàn trả.

Tại Australia, hãng hàng không Qantas cho biết sẽ cắt giảm tất cả các chuyến bay quốc tế sau khi chính phủ nước này cảnh báo không đi ra khỏi đất nước, đồng thời cho hai phần ba lực lượng lao động nghỉ phép có lương hoặc không lương.

“Thực tế đáng buồn là do hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi nên nhu cầu đi lại của hành khách đã giảm mạnh. Chúng tôi không có việc làm cho hầu hết nhân viên”, Tổng Giám đốc điều hành Alan Qantas Alan Joyce cho biết.

Màn hình cho thấy một số chuyến bay bị hủy tại Sân bay Quốc tế Seattle-Tacoma ở SeaTac, Washington, Mỹ vào ngày 13/3/2020. Ảnh: REUTERS / Jason Redmond

Ban giám đốc hãng hàng không Quantas sẽ giảm 100% chi phí cho tới ít nhất là đến cuối năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6, tăng 30% so với trước, trong đó cả chủ tịch và giám đốc điều hành hãng sẽ không nhận lương.

Tại Trung Quốc, tâm chấn của đại dịch COVID-19, các hãng vận tải lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước đã xác nhận sụt giảm 80% lượng hành khách trong tháng 2 và cho biết họ sẽ tối ưu hóa hơn nữa năng lực và đẩy mạnh cắt giảm chi phí.

Trong bối cảnh các nước tăng cường hạn chế biên giới, nhiều chuyến bay đang bị cắt giảm. Hãng hàng không Air Canada của Canada cho biết hãng này đang dần đình chỉ đa số các chuyến bay xuyên quốc tế và xuyên Mỹ cho đến ngày 31/3.

Ấn Độ đã sẵn sàng tham gia vào danh sách lớn các quốc gia cung cấp viện trợ cho ngành hàng không. Theo hai nguồn tin chính phủ, Bộ Tài chính Ấn Độ đang cân nhắc đề xuất khoản viện trợ trị giá 1,6 tỷ USD, trong đó tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không.

Ngày 19/3, New Zealand đã phác thảo đợt đầu tiên của gói cứu trợ hàng không trị giá 600 triệu đô la New Zealand (tương đương 344 triệu USD), bao gồm hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không để trả chi phí của hành khách thuộc cơ quan chính phủ và chi trả phí kiểm soát không lưu.

Air New Zealand Ltd (AIR.NZ) cho biết hãng này sẽ đóng cửa căn cứ phi hành đoàn của hãng ở London, Anh sớm hơn dự định ban đầu, dẫn đến nguy cơ mất 130 việc làm.

Số ca nhiễm tăng cao ở Ý, Pháp

Hãng tin Reuters đưa tin, tổng số ca tử vong tại Ý đã lên đến 2.978 người, số ca nhiễm virus tại nước này là 35.713 và tổng số người khỏi bệnh là 4.025. Khoảng 2.257 người đang được chăm sóc ở phòng chăm sóc đặc biệt.

Một người chạy bộ trên bờ sông Tiber tại Rome, Ý trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan vào ngày 18/3/2020. Ảnh: REUTERS / Yara Nardi

Pháp cũng xác nhận sự gia tăng đột biến số người chết vì COVID-19, tăng 89 người, tương đương 51% chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong tại Pháp lên 264. Tổng số ca nhiễm virus tại nước này đã lên đến 9.100.

Trên khắp thế giới, cả người giàu và nghèo đều thấy cuộc sống bị đảo lộn khi các quốc gia hủy hàng loạt sự kiện, đóng cửa các cửa hàng và trường học, nơi làm việc trống vắng, đường phố vắng vẻ và đi lại hạn chế.

Ý kêu gọi nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc

Ngày 19/3, chính phủ Ý cảnh báo người dân không tập thể dục ngoài trời trong bối cảnh số người chết vì COVID-19 tăng vọt lên 2.978 người và tồn tại một số trường hợp bất chấp vi phạm lệnh phong tỏa toàn quốc.

Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn COVID-19 lây lan.

Trao đổi với Đài truyền hình nhà nước RAI, Bộ trưởng Thể thao của Ý, Vincenzo Spadafora cho rằng Ý cần cân nhắc đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với các hoạt động ngoài trời.

“Việc phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm ngăn chặn việc đi lại không cần thiết, nhưng vẫn cho phép mọi người tập thể dục hàng ngày một mình nếu cần. Bằng cách thực thi lệnh cấm, cảnh sát đã ngăn chặn được các chuyến đi của hơn một triệu người trong tuần qua và phát hiện gần 43.000 trường hợp vi phạm”, Bộ Nội vụ Ý cho biết.

Con phố mua sắm vắng hoe do dịch bệnh COVID-19 tại Berlin, Đức vào ngày 18/3/2020. Ảnh: REUTERS / Fabrizio Bensch

Ông Vincenzo Spadafora cho biết: “Nếu người dân không nghe theo lời kêu gọi ở trong nhà, Ý sẽ buộc phải áp đặt lệnh cấm tuyệt đối”.

Trong khi đó, trong ngày 18/3, khu vực phía Bắc của thành phố Bologna ở Ý, tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch đã yêu cầu các nhân viên y tế nghỉ hưu gần đây trở lại làm việc và giúp các đồng nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thống đốc Lombardy Attilio Fontana cho biết ông đã gửi lời kêu gọi chân thành tới tất cả các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã nghỉ hưu trong hai năm qua quay lại làm việc để hỗ trợ đội ngũ y tế hiện nay chống lại dịch bệnh COVID-19.

2 người Mỹ gốc Việt tử vong vì COVID-19 tại Mỹ

Thông tin về hai trường hợp tử vong trên đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận. Theo đó, bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946, tử vong do COVID-19 ngày vào ngày 16/3 (giờ Mỹ) tại thành phố Seattle, bang Washington. Trước đó, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV2 tại một nhà dưỡng lão ngày 9/3 và tử vong sau một tuần nhập viện.

Ca tử vong thứ 2 là một người lớn tuổi, bị mù, sống ở một nhà dưỡng lão tại bang Washington. Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt và dương tính với COVID-19 và qua đời 24 giờ sau đó.

Tính đến 6 giờ sáng 19/3/2020, thế giới đã ghi nhận 199.427 người mắc COVID-19, 7.997 người tử vong. Trong đó, lục địa Trung Quốc có 80.906 người mắc và 3.237 người tử vong; 167 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc xác nhận 118.521 ca mắc và 4.760 ca tử vong.
Tại Việt Nam, đã có 76 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 ca nhiễm (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Mai Đan