Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 18/3: Dịch lan khắp châu Âu, WHO tăng cường hợp tác chống dịch

Thời sự - Ngày đăng : 09:53, 18/03/2020

(TN&MT) - Châu Âu tiếp tục là “ổ dịch” trên thế giới khi hàng loạt quốc gia tại châu lục này ghi nhận ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng cao. Đặc biệt, tại Ý, trong 24 giờ qua đã có thêm 345 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì COVID-19 tại nước này lên 2.503 người.

WHO cam kết tăng cường hợp tác ứng phó với COVID-19

Ngày 18/3, Tân Hoa Xã đưa tin: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại khu vực châu Âu, hiện là tâm điểm của đại dịch COVID-19, đã có thêm 8.507 trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận vào sáng 17/3, đưa tổng số ca nhiễm tại châu lục này lên 64.189, trong đó có 3.118 ca tử vong.

Các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 2.000 ca nhiễm tại mỗi nước, cụ thể tổng số ca nhiễm tại các nước như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Thụy Sĩ lên đến gần 52.000 ca.

WHO cam kết hợp tác với các ngành du lịch và giao thông để chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp với COVID-19

Ngoài ra, 8 quốc gia và khu vực khác xác nhận các ca nhiễm đầu tiên, trong khi 88 quốc gia và khu vực cho biết virus corona đã lây lan trong đất nước của họ.

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, WHO cam kết hợp tác với các ngành du lịch và giao thông để chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp với COVID-19.

Dịch COVID-19 lan khắp châu Âu

“Tính đến cuối ngày 17/3, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Ý là 31.505 ca. Riêng trong ngày 17/3, nước này xác nhận 3.526 ca nhiễm mới. Cùng ngày, 192 người đã hồi phục, nâng tổng số ca hồi phục tại nước này lên 2.941 người” – Reuters đưa tin.

Trong khi đó, vùng tâm dịch Lombardy ở Ý ghi nhận thêm 1.571 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại vùng này lên 16.220, với 1.640 trường hợp tử vong.

Tại Thụy Sĩ, đã có hơn 2.600 người nhiễm SARS-CoV-2 và 19 ca tử vong. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao, giới chức trách nước này đã khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà.

Một người đi bộ đeo khẩu trang đi ngang qua Thư viện Công cộng New York đã đóng cửa ở New York, Mỹ vào ngày 15/3/2020

Trong ngày 17/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố, nhằm nỗ lực kiểm soát sự lây lan của SARS-CoV-2, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thi hành lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU.

Cùng ngày, giới chức trách Pháp xác nhận thêm 27 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 175, cùng với 7.730 ca nhiễm. Cũng trong ngày 17/3, Pháp bắt đầu ngày đầu tiên phong tỏa đất nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Lệnh phong tỏa cũng được Bỉ áp dụng và chính thức có hiệu lực từ 11 giờ ngày 18/3 – 5/4 nhằm nỗ lực ngăn chặn virus lây lan.

Để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một loạt biện pháp như hạn chế đi lại tới 20 nước, đóng cửa các trường học và trường đại học. 

Trước đó, giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu dừng các buổi cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo và đóng cửa khu vực công cộng, trong đó có rạp chiếu phim.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận 98 ca nhiễm và một ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 tại nước này. 

Số ca nhiễm tại Hàn Quốc tăng cao

Ngày 18/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết nước này xác nhận 93 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 8.413.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc tăng vọt trong những tuần qua, với 8.289 trường hợp nhiễm được ghi nhận từ ngày 19/2-16/3. Quốc gia này đã nâng cảnh báo virus 4 cấp lên mức "đỏ" cao nhất.

Mọi người đi bộ trên đường phố quanh chợ Seomun ở Daegu, Hàn Quốc vào ngày 17/3/2020

Daegu đã trở thành “tâm điểm” của sự lây lan virus khi số ca nhiễm lớn nhất được ghi nhận ở vùng đô thị với dân số 2,5 triệu người này. Hàn Quốc đã tuyên bố Daegu là vùng “thảm họa đặc biệt”.

Gia tăng số ca nhiễm COVID-19 từ nước ngoài vào Trung Quốc

Ngày 18/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông tin tính đến cuối ngày 17/3, nước này xác nhận thêm 13 ca nhiễm mới, thấp hơn 21 ca của một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc lên 80.894.

Cũng trong ngày 17/3, số ca tử vong tại Trung Quốc tăng 11 ca, nâng tổng số người chết vì COVID-19 tại quốc gia này lên 3.237.

“Trong khi đó, tính đến ngày 17/3, số ca nhiễm COVID-19 từ nước ngoài vào Trung Quốc là 155 ca, tăng 12 ca so với ngày 16/3” – Reuters đưa tin.

Giữa tháng 4, Trung Quốc sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19

Dẫn lời một quan chức y tế tại Thượng Hải, Trung Quốc, tờ nhật báo Khoa học và Công nghệ ngày 17/3 cho biết theo dự kiến, một loại vắc-xin mRNA ngừa virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 sẽ được thử nghiệm lâm sàng vào giữa tháng 4/2020.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/3, Yi Chengdong, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải cho biết vắc-xin dạng tiểu thể giống vi rút (virus-liked particles – VLP) đã tạo ra các kháng thể đặc hiệu trong các thí nghiệm miễn dịch ở chuột. Các nghiên cứu về độc tính vắc-xin đã được thực hiện trên động vật linh trưởng.

Vắc-xin VLP là cấu trúc đa protein bắt chước cấu tạo và tổ chức của virus nhưng thiếu bộ gen, có khả năng đem lại hiệu quả, an toàn và giá thành hợp lý hơn các loại khác.

Một nhà nghiên cứu cho thấy thí nghiệm phát triển vắc-xin mRNA ngừa virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 29/1/2020

“Trong khi đó, 3 sản phẩm thử nghiệm virus corona chủng mới đã được phê duyệt và áp dụng lâm sàng tại Thượng Hải”, ông Zhang Quan, Giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Thượng Hải cho biết.

“Tính đến ngày 15/3, hơn 80.000 thuốc thử (để xét nghiệm virus corona chủng mới) từ Thượng Hải đã được xuất khẩu sang 22 nước, bao gồm Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út”, ông Zhang nói thêm.

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay, 166 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 7h45 ngày 18/3/2020, toàn thế giới ghi nhận 198.178 người mắc, 7.965 người tử vong. Riêng tại Việt Nam đã có 66 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 16 người mắc (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Mai Đan