Quảng Ninh: Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 09:21, 18/03/2020

(TN&MT) - Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng một phần trong dây chuyền sản xuất hoặc kéo giãn tiến độ sản xuất. Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác khảo sát tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại 22 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp điện tử, dịch vụ du lịch, ăn uống, kinh doanh thương mại và thương mại biên giới...là những ngành nghề, lĩnh vực được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Công ty CP XNK Quốc tế Tân Đại Dương, tại TP. Móng Cái 

Qua khảo sát, những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh gồm: Xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Ngành dịch vụ du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19, kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác bị ảnh hưởng như: Vận chuyển đi lại, dịch vụ ăn uống, khách sạn...

Hiện nhiều hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại TP.Móng Cái, địa phương biên giới tiếp giáp với Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh. Sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ, người lao động không tới làm việc, nhất là đối với những doanh nghiệp có sử dụng lao động kỹ thuật người Trung Quốc. Các hoạt động giao thương mặc dù đã được thông quan trở lại nhưng vẫn hạn chế và chỉ ở mức cầm chừng do diễn biến của dịch bệnh.

Theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 hoạt động sản xuất kinh doanh thời điểm này đang chững lại, thậm chí là sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp không có doanh thu.

Hàng nhập khẩu qua cầu Bắc Luân II, TP.Móng Cái

Điển hình, theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp Móng Cái, trên 1.000 doanh nghiệp tại Móng Cái có tổng số người lao động tham gia đóng BHXH là 7.553 người, phải duy trì trả lương khoảng 500-600 tỷ đồng/tháng.

Trung bình, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới bị tồn 20 container hàng hóa sẽ phải trả 5 triệu đồng/ngày/container, nếu dịch kéo dài doanh nghiệp sẽ phải trả 3 tỷ đồng/tháng, chưa kể phí sử dụng hạ tầng, vận tải đã nộp nhưng chưa có doanh thu bù đắp.

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ sàng lọc tất cả ý kiến của doanh nghiệp theo từng nhóm ý kiến để tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh xem xét và giải quyết các vấn đề. Đồng thời, những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành Trung ương chúng tôi sẽ kiến nghị với tỉnh để báo cáo các cấp có thẩm quyền có phương hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. 

Công ty TNHH Du lịch làng quê Yên Đức tổ chức tập huấn tại chỗ cho nhân viên phòng, chống dịch Covid-19

Nhằm tháo gỡ, đồng hành với những khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện một số giải pháp kích cầu như: Tặng vé tham quan Vịnh Hạ Long cho du khách, sớm họp bàn với các doanh nghiệp để thống nhất giải pháp kích cầu; xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch cũng như các ngành nghề kinh doanh khác cùng nhau vượt khó.

Cùng với đó, chủ động thực hiện đủ các điều kiện để thông quan cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm Km3+4 và cửa khẩu Hoành Mô, đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại, trước mắt giải quyết khó khăn cho những doanh nghiệp XNK để giải tỏa số lượng hàng hóa đã lưu kho kể từ khi phát hiện dịch bệnh.

Thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị một số doanh nghiệp logistic hỗ trợ tiền thuê kho bãi, giảm chi phí bốc xếp đối với các doanh nghiệp trong thời gian vẫn ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, phối hợp với các ngành liên quan tìm giải pháp hỗ trợ và tìm hướng ra cho các mặt hàng nông sản như: Hầu, tôm, ngao hai cùi, trứng gà...

Những giải pháp trên là những giải pháp ban đầu nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hiện tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo cho các ngành, địa phương tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp để tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phạm Hoạch