Cụ thể hóa các bản tin dự báo Khí tượng thuỷ văn đến từng khu vực
Môi trường - Ngày đăng : 20:35, 17/03/2020
Theo đề nghị của UBND tỉnh Tuyên Quang, khi mực nước trên sông Lô tại trạm thủy văn Tuyên Quang từ 20m trở lên đơn vị làm bản tin dự báo lũ phục vụ riêng cho tỉnh. Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn các hạn trong những năm qua đều vượt chỉ tiêu được giao.
Là một đơn vị trong hệ thống dự báo KTTV quốc gia, những năm qua, Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai, từng bước nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; đặc biệt là các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, phục vụ có hiệu quả công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai tại địa phương.
Tuyên Quang là một trong những tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai nguy hiểm |
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những năm gần đây, thiên tai đã và đang gây ra nhiều thiệt hại lớn, không chỉ là tài sản mà trên hết còn là tính mạng của người dân... Việc dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai cũng như tác động của thiên tai tới mọi mặt đời sống xã hội, trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một gia tăng như hiện nay là thách thức của hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia.
Xác định công tác dự báo phục vụ là nhiệm vụ trọng tâm, Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang chú trọng cảnh báo, dự báo tốt các hiện tượng thời tiết thuỷ văn nguy hiểm, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra cũng là nâng cao vị thế của ngành KTTV đối với xã hội.
Đài KTTV tỉnh đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn trong khu vực và tỉnh, phối kết hợp với các đơn vị trong hệ thống dự báo KTTV Quốc gia, khai thác có hiệu quả các sản phẩm, mô hình dự báo, ra-đa thời tiết, ảnh mây vệ tinh để kịp thời cảnh báo, dự báo cho địa phương. Đặc biệt là khi có các hình thế thời tiết, thủy văn nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh như bão, ATNĐ, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở, nắng nóng, rét đậm, rét hại...
Nội dung các bản tin dự báo ngày càng được cải tiến phục vụ tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh và cộng đồng. Cụ thể hóa các bản tin dự báo KTTV đến từng khu vực trên địa bàn tỉnh (bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được chi tiết đến cấp xã).
Đáng chú ý, khi Luật Phòng chống thiên tai; Luật KTTV được ban hành, Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Luật KTTV tới toàn thể cán bộ viên chức, người lao động tại các trạm KTTV trên địa bàn tỉnh. Qua đó, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành được quy định trong Luật tới cán bộ viên chức, người lao động do Đài tỉnh quản lý.
Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung được quy định trong Luật Phòng chống thiên tai, Luật KTTV; các Thông tư, Nghị định dưới Luật. Đẩy mạnh công tác truyền thông các hoạt động KTTV tới đông đảo người dân địa phương thông qua các loại hình báo chí; lồng ghép trong các hoạt động truyền thông phòng chống thiên tai tại địa phương.
Đứng trước những thách thức và cơ hội mới, trong thời gian tới cán bộ viên chức Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang quyết tâm nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong công tác phục vụ phòng chống thiên tai tại địa phương để dần khẳng định vai trò và vị thế của ngành khí tượng thủy văn trong bức tranh hội nhập chung của đất nước.
Cùng với định hướng phát triển ngành trong giai đoạn tới, cán bộ viên chức Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang cần tập trung nhân lực tiếp cận với công nghệ mới, cập nhật các mô hình dự báo của các nước tiên tiến, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại phục vụ tốt hơn công tác dự báo KTTV, nhất là dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm. Từ đó nâng cao chất lượng các bản tin, giúp cho các sở ban ngành, các cấp chính quyền địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ứng phó khi có thiên tai xảy ra.
Để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá, phân vùng khí hậu nông nghiệp và đề xuất hệ thống hỗ trợ (bản tin) phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Tuyên Quang”. Đề tài được thực hiện trong 24 tháng (từ năm 2019-2021).