Ba mối đe dọa với nguồn nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:36, 17/03/2020
Những mối đe dọa này cần được giải quyết để đảm bảo có được nguồn nước an toàn và đầy đủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, WB khuyến nghị, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa.
Thực tế cho thấy, khi nguồn nước bị ô nhiễm - quá bẩn, sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất, trực tiếp đối với nền kinh tế. Mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Mô hình này chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất.
Cũng theo WB, mức độ ô nhiễm cao còn hạn chế sự phát triển bền vững và tương lai của các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời.
Ảnh minh họa |
Do một thời gian dài phát triển thiếu sự đầu tư vào xử lý nguồn nước thải nên môi trường phải gành chịu nhiều hệ lụy. Thiếu đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp mới chỉ xử lý được khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Trong tổng số 587 cụm công nghiệp theo quy hoạch đã đi vào hoạt động, chỉ có 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải chung (chiếm 9,4%). Phần lớn, nước thải từ các hộ sản xuất trong hơn 5.000 làng nghề chưa qua xử lý cùng nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống thoát nước mặt. Đó là chưa kể đến một số cơ sở công nghiệp lớn nằm ngoài các khu công nghiệp, các điểm khám chữa bệnh tư nhân nằm rải rác chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Một khó khăn nhìn thấy là hầu hết các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do những hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.
Tài nguyên nước Việt Nam phụ thuộc vào các con sông quốc tế với hơn 60% tổng dòng chảy nước mặt trung bình hàng năm chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn. Hai trong số các con sông quan trọng nhất của nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới từ các nước láng giềng. Gần 95% lượng nước của sông Mê Công bắt nguồn từ ngoài biên giới, đến Việt Nam thông qua Campuchia và 40% của sông Hồng có nguồn gốc ở Trung Quốc. Việt Nam nằm ở thượng nguồn sông Sê San và Srê pốk, chảy vào Campuchia. Các quốc gia ven sông sử dụng nước cần có sự phối hợp về các vấn đề quan tâm chung, bao gồm các hoạt động khai thác nước, ô nhiễm và phát triển đập thủy điện.
Rõ ràng, nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào.
Cho đến hôm nay, các dự báo về tình hình cạn kiệt tài nguyên nước trên thế giới hàng năm vẫn liên tiếp được đưa ra. Và nếu không có sự chung sức, cùng hành động vì an ninh nguồn nước, tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng, đặc biệt, khi quy mô các hoạt động sản xuất gia tăng, các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.