Rõ ràng với đất

Đất đai - Ngày đăng : 13:31, 17/03/2020

(TN&MT) - Thiếu công khai, minh bạch thông tin quy hoạch vừa gây bất đồng trong nhân dân khi triển khai dự án vừa là cơ hội cho tham nhũng đất đai tăng mạnh.

Theo Báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), Việt Nam hiện xếp thứ 61/109 quốc gia về tính minh bạch trên thị trường bất động sản. Còn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vẫn cho thấy, sai phạm trong quy hoạch còn xảy ra nhiều, nguyên nhân chính do sự quản lý lỏng lẻo, có dấu hiệu sân trước sân sau, lợi ích nhóm. Đặc biệt có nhiều điều luật chồng chéo nhau tạo kẽ hở cho nhà đầu tư và cơ quan chức năng bắt tay “lách luật”.

Còn Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cũng chỉ rõ, trong năm 2018, chưa tới 25% số người được hỏi được biết về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất khu vực mình sống. Chưa đến 30% cho biết họ có cơ hội tham gia góp ý kiến cho kế hoạch sử dụng đất.

Hệ quả từ việc thiếu thốn các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời, tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng. Một trong những ví dụ đơn giản nhất có thể nhìn thấy là việc khi muốn mua quyền sử dụng một mảnh đất, phần lớn người tham gia giao dịch khó kiểm chứng được miếng đất đó có tranh chấp hay giải tỏa hay không. Theo quy định hiện nay, với thông tin quy hoạch, Phòng TN&MT của quận/huyện nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân. Tuy vậy, trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan này.

Ảnh minh họa

Đã có nhiều bài học về sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng trong quy hoạch, không công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy, những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài. Người dân gần như bị động trước thông tin quy hoạch, khi cần lại không biết kiểm chứng ở đâu. Thậm chí, nhiều trường hợp, việc mập mờ thông tin dự án đã tạo điều kiện cho giới “cò mồi” tung tin đồn, thổi giá đất.

Có quan điểm cho rằng, nơi nào năng động, “va chạm” nhiều, công nghiệp hóa mạnh thì việc “hy sinh” ngắn hạn, đầu tư cho dài hạn và chuyển dịch đất đai khó có thể tránh khỏi. Vậy đo lường sự hài lòng của người dân liên quan tới chuyện thu hồi đất, quản trị đất đai có thực sự công bằng cho những tỉnh công nghiệp hóa mạnh hay không?

Đúng là nơi nào năng động, công nghiệp hóa mạnh với nhiều dự án phát triển kinh tế, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là chuyện đương nhiên. Song, điều đó không đồng nghĩa với việc người dân nhìn nhận quản trị đất đai ở địa phương đó kém hơn những nơi không có nhiều dự án phát triển kinh tế buộc phải thu hồi đất.

Đôi khi, cảm nhận của người dân về bồi thường không thỏa đáng có một phần nguyên nhân từ sự thiếu công khai, minh bạch thông tin về đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay đơn giá đền bù.

 

Thiên Trường