Doanh nghiệp địa ốc tìm kiếm cơ hội hậu dịch Covid -19
Bất động sản - Ngày đăng : 09:22, 17/03/2020
Thị trường trầm lắng, hàng tồn kho tăng mạnh
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoRea), tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán tính đến hết quý 4/2019 là 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018, trong đó có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.
“Lượng tồn kho tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trong đó, lượng hàng tồn đều là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản. Trước bối cảnh khó khăn của thị trường, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm Covid-19, nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn”- ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoRea quan ngại.
Sau dịch Covid 19, doanh nghiệp kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. |
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản VN (VNREA) đưa ra thống kê đáng lo ngại, hiện nay cả nước có hơn 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 15.663 nhà phố thương mại, bao gồm các sản phẩm đã đưa vào sử dụng; sản phẩm đã hoàn thiện xây dựng nhưng chưa đưa vào khai thác. Tổng giá trị ước tính phân khúc bất động sản này lên tới hơn 23 tỷ USD.
Trước thực trạng này, VNREA đã có nhiều kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ ngành cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, ngành ngân hàng cần có phương án giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ nên xem xét các giải pháp về chính sách thuế hỗ trợ ngành kinh doanh như: Giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế GTGT và lùi thời gian nộp thuế.
Khủng hoảng tạo cơ hội
Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, Ông Vũ Văn Hải -Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Vân Phong cho biết, cuối tuần qua, Hiệp hội bất động sản TP Nha Trang đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng. Theo đó, phía ngân hàng rất chia sẻ và cam kết đồng hành cũng các doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng trong khủng hoảng sẽ luôn có cơ hội. Nếu tới đây, ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi vay thì khó khăn các doanh nghiệp cũng sẽ giảm bớt phần nào. Đồng thời, nguồn cung bất động sản đến từ những dự án mới hiện nay không có nhiều trong khi tiến độ thực hiện dự án phải mất ít nhất 2-3 năm. Chính vì vậy, cơ hội sẽ dành cho những dự án đã hoàn thành” – ông Hải chia sẻ.
Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh MIK Group đánh giá, thị trường đang đi ngang, cộng với dịch bệnh bùng phát cũng làm giảm đi làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, đây lại là cơ hội cho những người có nhu cầu thực, bởi đầu tư trong giai đoạn này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án. Những người có nhu cầu ở thực còn có cơ hội để mua được bất động sản với giá cả hợp lý và không sợ bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư "lướt sóng".
Đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
Đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng)