Ngành KTTV cập nhật sớm và kịp thời thông tin hạn mặn mùa khô 2020

Môi trường - Ngày đăng : 16:52, 16/03/2020

(TN&MT) - Các bản tin dự báo, cảnh báo của Tổng cục KTTV là thông tin rất quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh cung cấp, sử dụng nguồn nước… góp phần hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hiện nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang có xu thế tăng cao, nền mặn ở cửa sông Cửu Long được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 3; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn và vùng Cà Mau duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.

Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó. Là cơ quan có nhiệm vụ phục vụ phòng chống thiên tai, ngành KTTV đã làm gì để góp phần ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn được cho là khốc liệt nhất từ trước đến nay ở ĐBSCL?

Hạn hán, xâm nhập mặn đang gay gắt và khốc liệt ở ĐBSCL

Trao đổi với phóng viên, TS Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã có dấu hiệu bắt đầu từ giữa mùa hè năm 2019 khi mà cơ quan khí tượng nhận thấy nguy cơ mất mùa lũ cuối năm ở ĐBSCL. Ngay từ tháng 7, 8 năm ngoái, cùng với việc dồn lực ứng phó các cơn bão năm 2019 ở Trung Bộ, ngành KTTV đã có những thông tin cảnh báo nguy cơ thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô 2019-2020.

Cũng tại thời điểm đó, ngành KTTV đã liên tục yêu cầu các đơn vị dự báo, cảnh báo, quan trắc ở khu vực ĐBSCL và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia theo dõi chặt chẽ báo cáo thường xuyên 2 tuần một lần cho các đơn vị phòng chống thiên tai và thông tin đến nhân dân.

Đến cuối năm 2019, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiện hữu rõ ràng hơn; Tổng cục KTTV đã yêu cầu Đài KTTV khu vực Nam Bộ và toàn bộ Đài KTTV các tỉnh ĐBSCL tăng cường quan trắc, đầu tư khảo sát về mực nước, đặc biệt là xâm nhập mặn để có những thông tin tin cậy phục vụ cho các tỉnh, huyện thuộc khu vực của mình. Cùng với đó, cung cấp dữ liệu cho Trung tâm KTTV quốc gia làm nguồn tin đầu vào phục vụ bản tin dự báo, cảnh báo.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, suốt từ cuối năm 2019 đến nay, các tỉnh thuộc ĐBSCL, Đài KTTV khu vực Nam Bộ ở TP HCM và Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia định kỳ 2 tuần một lần có bản tin dự báo, cảnh báo về hạn hán, xâm nhập ở ĐBSCL. Bản tin này được cập nhật nếu theo những bất thường hằng ngày cho các tỉnh của khu vực.

Đó là thông tin rất quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh cung cấp, sử dụng nguồn nước; tăng cường biện pháp khai thác, tích trữ nước ngọt trước mùa lũ, nên phần nào hạn chế thiệt hại.

“Mặc dù hạn mặn năm nay có nguy cơ khốc liệt hơn đợt hạn hán, xâm nhập kỷ lục năm 2015-2016, nhưng chúng tôi hi vọng rằng thiệt hại của nó sẽ giảm đi rất nhiều so với 4 năm trước đây khi chúng ta đã có thông tin chủ động trước để ứng phó”,

TS Hoàng Đức Cường,

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV

Được biết, trước thông tin dự báo khô hạn năm nay sẽ phức tạp hơn năm 2016, từ giữa năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn. Do có chỉ đạo cấy sớm vụ đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã tới 93% diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL đã tránh hạn và né mặn thành công.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, Tổng cục KTTV cũng sớm cung cấp thông tin về khả năng thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội khu vực này. Ngay thời điểm đổ ải, những thông tin dự báo phù hợp diễn biến lượng mưa của ngành KTTV đã giúp ngành điện có biện pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn nước vào kỳ đổ ải. Nhờ đó, giảm được thời gian đổ ải cũng như tiết kiệm nguồn nước ở khu vực phía Bắc”, ông Cường nói.

Ngoài ra, cùng với những thông tin cảnh báo từ xa, gần đây, ngành KTTV đã có bản tin chi tiết cảnh báo về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Tất cả các thông tin dự báo, cảnh báo được chuyển đến các địa phương, Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi để có những phương án ứng phó kịp thời; thông tin đến cộng đồng để cho bà con chủ động biện pháp ứng phó.

Khải Minh