Đắk Nông: Xử lý nghiêm cơ sở tái chế hạt nhựa “cố tình chống lệnh”

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 17:04, 14/03/2020

(TN&MT) - Sau khi Báo điện tử TN&MT có bài phản ánh về tình trạng cở sở tái chế hạt nhựa (tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa) của ông Nguyễn Đình Hiền tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành công văn số 1003, yêu cầu các sở ngành, địa phương cùng phối hợp xử lý nghiêm những sai phạm của cơ sở này. 

Cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền(tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức) tại thời điểm mới bị cơ quan chức năng xử phạt vào năm 2018

Kiến nghị cưỡng chế 

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền, các đơn vị báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. Các đơn vị báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/3/2020.

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP.Gia Nghĩa, trước việc chủ cơ sở ngang nhiên hoạt động và không tuân thủ chấp hành các quy định của nhà nước. UBND TP. Gia Nghĩa cũng đã đề nghị sở TN&MT tham mưu để UBND tỉnh xử lý cưỡng chế dứt điểm cơ sở này.

“Không chịu chấp hành đóng phạt, không tuân thủ thực hiện các thủ tục đầy đủ theo quy định của pháp luật. Cơ sở này còn cố tình hoạt động ảnh hưởng đến môi trường và điều kiện sống của các hộ dân xung quanh đó nên chúng tôi kiến nghị phải xử lý nghiêm”. Đại diện lãnh đạo TP. Gia Nghĩa khẳng định.

Khu vực chứa chất thải nằm phía trước cơ sở chế biến hạt nhựa chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường

Trước đó, cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền đã nhiều lần vi phạm các quy định trong hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân ở tổ dân phố 3 và tổ dân phố 5, phường Nghĩa Đức. Cụ thể, tính từ năm 2017 đến năm 2018 cơ sở này đã bị UBND TP.Gia Nghĩa xử phạt hành chính và yêu cầu dừng hoạt động khắc phục hậu quả. Kèm theo đó, buộc chủ cơ sở phải hoàn thành các thủ tục còn thiếu theo đúng quy định. 

Điều đáng nói, ngay cả khi UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định 1896, ngày 22/11/2019, xử phạt 175 triệu đồng vì đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh đã đình chỉ hoạt động cơ sở của ông Hiền 12 tháng để thực hiện các thủ tục pháp lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động và không chấp hành. 

Cơ sở chế biến hạt nhựa của ông Nguyễn Đình Hiền nằm cách quốc lộ 28 khoảng 300m và gần với các hộ dân ở tổ dân phố và và tổ dân phố 5

Có thể xử lý hình sự

Theo luật sư Nguyễn Thanh Huy, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Huy (Gia Nghĩa), cho rằng, trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng các hình thức quy định tại Điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. 

Nếu sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chủ thể tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì được xem thuộc trường hợp tái phạm theo Điểm b, Khoản 1, Điều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. 

Công nhân đang chuyển hạt nhựa để đưa đi tiêu thụ sau khi có quyết định xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động

Trong vụ việc này, do có liên quan đến vấn đề môi trường, nên tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm để xử lý. Cụ thể, cá nhân, tổ chức có thể tiếp tục bị xử phạt bằng một quyết định xử phạt hành chính khác. Nặng hơn, trường hợp tái vi phạm như vậy có thể bị khởi tố hình sự với tội danh "Gây ô nhiễm môi trường”, theo Điều 235, Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Phạm Hoài