Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 14/3: Trở thành “tâm điểm” của đại dịch COVID-19, châu Âu tăng kiểm soát biên giới

Thời sự - Ngày đăng : 09:45, 14/03/2020

(TN&MT) - Châu Âu đã trở thành tâm điểm mới của đại dịch với số ca nhiễm và tử vong cao hơn tất cả phần còn lại của thế giới cộng lại, ngoại trừ Trung Quốc.

WHO: Châu Âu là “tâm điểm” của đại dịch COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 13/3 tại Geneva, Thụy Sĩ, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết châu Âu đang là "tâm điểm” mới của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới mỗi ngày tại châu lục này cao hơn Trung Quốc ngay cả vào thời điểm dịch bùng phát mạnh, đặc biệt tại Ý, số ca tử vong tăng kỷ lục theo ngày.
Theo WHO, đã có hơn 132 nghìn ca nhiễm COVID-19 từ 123 quốc gia và vùng lãnh thổ và 5 nghìn người đã tử vong. Trong đó, châu Âu hiện đã trở thành tâm điểm của đại dịch. Theo báo cáo, số ca nhiễm hàng ngày từ châu Âu cao hơn số ca nhiễm hàng ngày của Trung Quốc khi đang ở đỉnh dịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 11/3/2020. Ảnh: Chen Junxia/Tân Hoa xã

"Hiện số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận mỗi ngày ở châu Âu còn cao hơn ở Trung Quốc vào thời điểm dịch bùng phát mạnh", ông Tedros cho biết.
Nhận định trên được ông đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đang tăng cao.
Ông Tedros cảnh báo các nước sẽ sai lầm nếu cho rằng đại dịch COVID-19 trên diện rộng sẽ không diễn ra trên đất nước mình và bất cứ quốc gia nào hiện nay cũng đều có thể rơi vào tình trạng đó.

Ý: Số ca tử vong vẫn tăng cao

“Tại Ý, số ca tử vong theo ngày tăng cao kỷ lục và số ca nhiễm tăng đến 17.660. Chỉ trong 24 giờ đã có 250 người chết, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 trong nước này lên đến 1.266” – BBC đưa tin.
Theo sau Ý về số ca nhiễm và tử vong tăng cao là Tây Ban Nha, với số ca tử vong tăng 50%, lên 121 người trong ngày 13/3 và 4.231 ca nhiễm.

Một người đàn ông đeo khẩu trang đạp xe trên đường phố ở Rome, Ý, vào ngày 13/3/2020. Ảnh: Elisa Lingria / Tân Hoa Xã

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố tình trạng báo động vì dịch bệnh COVID-19 sẽ có hiệu lực trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 14/3.
Ông Pedro Sanchez bày tỏ lo ngại khi cho rằng khả năng số ca nhiễm trong tuần tới tăng đến hơn 10.000 là không thể loại trừ.

Châu Âu tăng cường kiểm soát biên giới

Để phòng chống dịch COVID-19 lan rộng, các quốc gia châu Âu đã tăng cường triển khai các quy định kiểm soát biên giới.
Theo đó, ngày 13/3, Ba Lan tuyên bố đóng cửa các biên giới với du khách nước ngoài khi đất nước đã có ít nhất 68 ca nhiễm.
Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, hầu hết các ca nhiễm làm lây lan thành dịch trong nước đều là các ca lây từ nước ngoài, vì thế Ba Lan cũng sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế 14 ngày đối với những trường hợp từ nước ngoài về Ba Lan.
Dẫn lời Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, AFP đưa tin: “Du khách và người nước ngoài sẽ không được nhập cảnh vào Đan Mạch nếu không thể chứng minh được lý do hợp lý. Đan Mạch sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ trưa 14/3 (giờ địa phương)”.
Tính đến ngày 13/3, Thụy Sĩ đã có 1.125 trường hợp nhiễm COVID-19, tăng cao so với 850 ca vào một ngày trước đó.
Để phòng chống dịch COVID-19, Thuỵ Sĩ cho biết sẽ đóng cửa các trường học trong nước cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tính đến 5h30 ngày 14/3, thế giới xác nhận 141.404 người mắc COVID-19, 5.371 ca tử vong, trong đó, lục địa Trung Quốc có 3.176 người tử vong và các quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc ghi nhận 2.195 ca tử vong.
Tại Việt Nam, đến nay đã có 47 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 16 người nhiễm (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Mai Đan