Thủ tướng: Mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là ‘pháo đài’ chống dịch bệnh

Thời sự - Ngày đăng : 18:08, 13/03/2020

(Chinhphu.vn) - Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, diễn ra đến gần 1h chiều nay, 13/3.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đọc bài thơ mà một nhà khoa học gửi tới Thủ tướng, thể hiện dân tộc ta, đất nước ta đoàn kết, quyết tâm trong chống dịch, “điều đó cũng nhắn nhủ chúng ta làm tốt trách nhiệm trong công cuộc quan trọng này”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chuyển lời khen ngợi tới Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống, chăm sóc, điều trị người bệnh, các nhà tài trợ, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến toàn quốc để phổ biến trong hệ thống Mặt trận về phòng chống dịch, và nhiều tổ chức, cá nhân khác mà “chúng ta không thể nói hết, chúng ta phải nhân ngọn lửa này trong từng đơn vị, cơ sở, khu dân cư, coi đó là những tấm gương quý”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đạt kết quả tốt trong phạm vi quốc gia, được người dân và quốc tế đánh giá cao, tạo niềm tin mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Kể từ khi ca số 17 xuất hiện, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch và diễn biến dịch tại Việt Nam thay đổi nhanh. Đến nay, có 44 ca nhiễm, trong đó 16 ca khỏi hoàn toàn, ra viện. Trong những ngày tới, số ca nhiễm có thể tăng lên.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba là phương châm hành động, là quyết tâm của chúng ta, Thủ tướng nêu rõ. Cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, cần phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh và đúng đắn, đặc biệt, các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát. “Chúng ta phải đưa ra mục tiêu và cam kết đẩy lùi dịch bệnh và làm mọi việc để người dân yên tâm, an toàn. Vì thế, chúng ta đã có kịch bản cụ thể và nâng tầm kịch bản lên, sát với thực tế, kể cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống”.

Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa.

Vì vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm. Phải khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng chống cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất.

Thủ tướng yêu cầu, sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh như trong dạy học, ứng dụng khoa học-công nghệ trong tìm nguồn lây nhiễm vào Việt Nam… Phải tập trung bác sĩ giỏi, phương tiện đầy đủ để chữa trị cho người dương tính với COVID-19, để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong có thể xảy ra.

Những nơi tập trung đông người như siêu thị, phương tiện vận tải, giao thông công cộng… thì phải đeo khẩu trang. Ngành y tế, công thương phải bảo đảm cung ứng khẩu trang. Các sân bay phát khẩu trang miễn phí và yêu cầu sử dụng khẩu trang khi nhập cảnh vào Việt Nam đối với khách quốc tế.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 6/3-12/3/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 28 trường họp mắc mới (17 trường hợp người Việt Nam và 11 trường hợp người nước ngoài), nâng tổng số mắc lên 44 người. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 28.979 người, trong đó có 440 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.557 người cách ly tập trung tại cơ sở tập trung và 16.982 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Trên thế giới ghi nhận 126.529 trường hợp mắc tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó những quốc gia có số mắc nhiều nhất là Trung Quốc (80.793), Italy (12.462), Iran (9.000), Hàn Quốc (7.869), Pháp (2.281), Tây Ban Nha (2.277), Đức (1.966), Mỹ (1.336) với 4.635 trường hợp tử vong. Tại Mỹ đã có 1.336 trường họp mắc, phân bố tại 43 tiểu bang, trong đó 23 tiểu bang đã công bố tình trạng khấn cấp liên quan tới COVID-19. Mỹ đã nâng mức khuyến cáo đi lại toàn cầu và yêu cầu công dân Mỹ cân nhắc việc xuất cảnh. Tổng thống Mỹ đã tạm dừng cho nhập cảnh đối với những người đến từ các nước châu Âu trong vòng 30 ngày tới.

Trong vòng 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, trong những ngày tới và những tuần tới, dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa...

Theo Chinhphu.vn