Hạn mặn khốc liệt ở miền Tây: Chủ động là yếu tố quyết định

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:38, 12/03/2020

(TN&MT) - Không phải đến bây giờ các nhà hoạch định chính sách mới bàn tới chuyện ĐBSCL phải chung sống với hạn mặn. Tuy vậy, những kế sách vĩ mô đòi hỏi sự chung tay hợp lực của Nhà nước và nhân dân phải thực hiện từng bước một trong thời gian lâu dài.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL: Giữ vững tinh thần thực hiện theo Nghị quyết 120

Hạn hán, xâm nhập mặn trong những ngày vừa qua chỉ là ngắn hạn, vì vậy, không nên kết luận rằng với tình hình này từ nay ĐBSCL sẽ thiếu nước. Đây chỉ là cực đoan gây ra, mà cực đoan nó không may đã xảy ra năm 2016 và năm 2020 lại xảy ra lần nữa.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL

Đối với những năm cực đoan, chúng ta phải ứng xử tình huống, nhưng về lâu về dài cũng phải giữ vững tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vì chiến lược lâu dài phải dựa trên những năm tiêu cực, cực đoan. Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL phải vững tâm bám sát theo Nghị quyết 120, đừng thấy hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt những ngày qua mà dao động, bi quan.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ: Phải tính đến hiệu quả kinh tế của nguồn nước

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các cơ quan, đơn vị chức năng cần xem lại cách quản lý, sử dụng nước một cách tối ưu nhất. Khi nguồn nước đã ít, chúng ta phải tính đến hiệu quả kinh tế, có nghĩa là năng suất của 1m3 nước sản xuất ra được bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu kg tôm, cá? Từ đó, chúng ta nghiên cứu tìm giải pháp kỹ thuật nhằm giảm lượng nước trên 1 tấn sản phẩm, đây là giải pháp cần phải tính đến.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ

Cùng với đó, ĐBSCL cần chủ động né vụ, sử dụng các biện pháp tiết kiện nước, trữ nước và trong tương lai, việc này cũng cẩn phải chủ động, đừng quá trông chờ vào việc xả nước ở phía trên thượng nguồn sông Mê Công.q

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Chuyển đổi sản xuất để thích ứng

Từ năm 2016 đến nay, đã có 2 đợt hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản suất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau và điều này cho thấy, thời tiết cực đoan có thể lặp lại thường xuyên hơn trong thời gian tới.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

 Vì vậy, bên cạnh thực hiện các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại về cây trồng, sạt lở, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh cũng nghiên cứu biện pháp lâu dài để thích ứng với biến đổi khí hậu, như chuyển đổi sản xuất một vụ lúa - một vụ tôm cho một phần diện tích vùng ngọt hóa. Giải pháp này vẫn giữ được hệ sinh thái đặc biệt của rừng tràm Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đồng thời, khắc phục được sụt lún, sạt lở vùng sản xuất nông nghiệp thuộc Tiểu vùng II, Bắc Cà Mau.

K.Liên