Hạn mặn khốc liệt uy hiếp đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:21, 11/03/2020

(TN&MT) - Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức độ gay gắt và khốc liệt. Tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và khốc liệt

Ban bố tình huống khẩn cấp

Hiện tại, xâm nhập trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn biến phức tạp. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách cửa sông 60km; trên các tuyến sông nhánh, nội đồng, kể cả các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn trung bình trên 2‰ ở hầu hết các huyện, thành phố.

Qua thống kê, Bến Tre hiện có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng; tình hình nuôi thủy sản đang gặp khó khăn, có 722 ha diện tích nuôi tôm càng xanh bị ảnh hưởng, xảy ra hiện tượng nghêu chết với số lượng khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỉnh Bến Tre hiện có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển; trên các cù lao, cồn trên sông Hàm Luông, Sông Tiền, Cổ Chiên; cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn thiếu nước sinh hoạt, do hết nguồn nước ngọt dự trữ.

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập đến cầu Mỹ Thuận, làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh. Toàn tinh Tiền Giang hiện còn 2.270 ha lúa vùng dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống sau lịch khuyến cáo thời vụ cũng trong tình trạng thiếu nước ngọt, nên khả năng bị thiệt hại là rất lớn. 

Hàng chục ngàn ha diện tích sản xuất lúa bi thiệt hại do hạn mặn

Tiền Giang hiện có hơn 36.000 ha vườn cây ăn trái khu vực phía Nam quốc lộ 1A, nguồn nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước từ các phương tiện vận chuyển với chi phí đắt đỏ. Mặn xâm nhập sâu, vượt qua vị trí lấy nước trên sông Tiền của hai nhà máy nước Bình Đức và Đồng Tâm, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 800.000 dân trên địa bàn TP Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh.

Riêng tại tỉnh Long An, qua thống kê sơ bộ, ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha, trong đó có 2.600 ha ở huyện Thủ Thừa và Tân Trụ có khả năng mất trắng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Long An có gần 10.000 hộ dân sống phân tán đang bị thiếu nguồn nước sinh hoạt do ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Hiện nước mặn đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL, trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Tính đến nay, 05 tỉnh trong vùng gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Nhiều tuyến kênh rạch nội đồng ở một số tỉnh vùng ĐBSCL đã bị khô cạn

Giải pháp cấp bách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của hạn mặn, tỉnh Long An đã tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa phương để nắm bắt thông tin về nguồn nước; đồng thời, nhờ sự chi viện của tỉnh Tiền Giang cho mở các cống Rạch Gốc, Cầu Quán, Quân Thọ để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước cho trên 10.000 ha thanh long.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An tiến hành lắp đặt 16 cống ngăn mặn nằm dọc tuyến Quốc lộ 62, triển khai thi công 2 cống và đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh rạch cắt ngang Quốc lộ 62, đã kịp thời ngăn xâm nhập mặn vùng dự án Bắc Đông; đồng thời, khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm tạo nguồn nước vào hệ thống thủy lợi.

Theo ông Phạm Văn Cảnh, về lâu dài, tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước cho vùng hạ - nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của tỉnh về xâm nhập mặn. Ngoài ra, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư các cống ngăn mặn còn lại dọc tuyến Quốc lộ 62 để chủ động điều tiết, ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng dự án Bắc Đông. 

Nhiều cơ quan, đơn vị hỗ trợ các chuyến tàu vận chuyển nước ngọt và dụng cụ trữ nước cho người dân Bến Tre

Trong khi đó, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, tỉnh cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa để trữ nước trên các tuyến kênh trục; xây dựng và vận hành 9 trạm bơm điện làm gia tăng lượng nước lấy qua công trình đầu mối; đồng thời tổ chức 415 điểm bơm chuyền, thực hiện phân vùng để điều tiết nước cho cây trồng.

Riêng về nguồn nước sinh hoạt, tỉnh Tiền Giang chủ động đắp trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác nên đã bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho 800.000 dân và cấp nước tưới cho hơn 80.000 ha đất sản xuất trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An. 

Tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng 4 tuyến ống chuyền tải để chuyển nước về khu vực các huyện phía Đông; mở 61 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ ở ven biển, ven sông chưa có nước từ trạm cấp nước tập trung.

Đối với tỉnh Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức vận hành có hiệu quả, hợp lý các công trình thủy lợi, nhất là các đập tạm, các cống thuộc hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; tăng cường công tác quan trắc môi trường, đo kiểm tra độ mặn tại các trạm đo hiện có và tăng cường thêm các điểm đo khác ở khu vực thượng nguồn để kịp thời xả nước mặn và lấy nước ngọt phù hợp.

Theo ông Cao Văn Trọng, trước mắt tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện khẩn cấp vận chuyển nước ngọt từ các tỉnh khác về để cung cấp cho các hoạt động thiết yếu, các bệnh viện, trường học và nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, không để ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về lâu dài, tỉnh Bến Tre ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn như các công trình của dự án JICA 3, các hạng mục còn lại của dự án Nam - Bắc Bến Tre; đầu tư hoàn chỉnh dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

“Bến Tre sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; các cống, âu thuyền lớn để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt trong thời gian tới; đầu tư, mở rộng tuyến dẫn nước thô về các nhà máy nước; đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án trữ nước ngọt trong lòng đất tại các khu vực phù hợp” - ông Cao Văn Trọng nhấn mạnh.

Bạch Thanh