WHO: Cần có chiến lược tổng thể toàn diện để kiểm soát Covid-19 trên toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 12:16, 10/03/2020
Dịch bệnh không đồng đều ở cấp độ toàn cầu
Người đứng đầu WHO cho biết cuối tuần qua thế giới ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Điều này chắc chắn gây rắc rối và ảnh hưởng đến nhiều người và nhiều nước.
Theo ông, virus đã có mặt ở rất nhiều quốc gia, mối đe dọa của “đại dịch” đang đến gần, nhưng nó sẽ là đại dịch đầu tiên trong lịch sử có thể được kiểm soát.
Ông Tedros cho rằng lợi thế lớn mà chúng ta có là các quyết định mà tất cả chúng ta đưa ra - như chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình và cá nhân - có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của dịch bệnh này.
“Chúng ta cần nhớ rằng với hành động quyết đoán và sớm, chúng ta có thể làm chậm virus và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Trong số những người bị nhiễm bệnh, hầu hết sẽ hồi phục” – ông Tedros nói.
Ông dẫn chứng: Trong số khoảng 80.000 trường hợp nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, hơn 70% đã hồi phục và được xuất viện.
Vì thế, cần nhớ rằng chỉ nhìn vào tổng số ca nhiễm được xác nhận và tổng số quốc gia có ca nhiễm không thể có cái nhìn khách quan về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Ông Tedros cho biết: Trong số tất cả các ca nhiễm trên toàn cầu cho đến nay, 93% là từ chỉ 4 quốc gia.
Đây là một dịch bệnh không đồng đều ở cấp độ toàn cầu.
Các quốc gia khác nhau trong các kịch bản khác nhau đòi hỏi một phản ứng phù hợp.
“Tất cả các quốc gia phải thực hiện một chiến lược tổng thể toàn diện để kiểm soát dịch bệnh trong nước và đẩy lùi virus này quay trở lại” – Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Ông Tedros cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới phải thực hiện một chiến lược tổng thể toàn diện để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 |
Theo ông, các quốc gia tiếp tục phát hiện và xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm, đồng thời điều tra lịch sử đi lại và tiếp xúc của những trường hợp này. Việc này không chỉ bảo vệ chính người dân của họ mà còn giúp ngăn ngừa virus lây lan đến các quốc gia khác trên toàn cầu.
WHO đã tăng cường hướng dẫn các quốc gia theo 4 nhóm: Những nước không có trường hợp nhiễm Covid-19; những nước có ít trường hợp nhiễm; những nước có các ca nhiễm theo khu vực; những nước có người nhiễm trên toàn cộng đồng.
Đối với tất cả các quốc gia này, mục tiêu đều giống nhau, đó là ngăn chặn lây nhiễm và lan rộng của virus corona chủng mới.
Đối với 3 nhóm đầu tiên, ông Tedros cho rằng các quốc gia phải tập trung vào việc tìm kiếm, xét nghiệm, điều trị và cách ly các trường hợp riêng lẻ và theo dõi lịch sử tiếp xúc của họ.
Riêng đối với nhóm nước có ca nhiễm lan rộng trong cộng đồng, việc kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ và lịch sử tiếp xúc và đi lại của họ lại khó khăn hơn. Phải hành động để ngăn chặn sự lây truyền ở cấp cộng đồng nhằm giảm dịch cho các cụm khu vực có thể quản lý được.
Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại mỗi nước, các quốc gia có sự lây lan Covid-19 trên phạm vi rộng có thể xem xét đóng cửa các trường học, hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người và các biện pháp khác để giảm tiếp xúc giữa người với người.
Biện pháp ứng phó với Covid-19 tại các nước về cơ bản giống nhau
Về cơ bản, các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 là giống nhau đối với tất cả các quốc gia. Cụ thể, điểm tương đồng thể hiện ở: Cơ chế ứng phó khẩn cấp; truyền thông rủi ro và sự tham gia của công chúng; phát hiện các ca nhiễm và điều tra lịch sử đi lại của họ; các biện pháp y tế công cộng như vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp và sự cách biệt về mặt xã hội.
Ngoài ra, các yếu tố cơ bản của ứng phó với Covid-19 tại các nước cũng có điểm chung liên quan đến thử nghiệm trong phòng thí nghiệm; điều trị bệnh nhân và đảm bảo đủ bệnh viện; phòng chống lây nhiễm; cách tiếp cận toàn xã hội, toàn chính phủ.
Có nhiều dẫn chứng về các quốc gia cho thấy các biện pháp trên đều được thực hiện.
Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác đã triển khai các biện pháp khẩn cấp.
Singapore là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận toàn chính phủ. Các video thường xuyên của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang giúp giải thích các rủi ro và trấn an cộng đồng.
Hàn Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực xác định tất cả các trường hợp nhiễm và lịch sử tiếp xúc, bao gồm kiểm tra nhiệt độ người lái xe để mở rộng mạng lưới và phát hiện các trường hợp có thể bị bỏ qua.
Trong khi đó, Nigeria, Senegal và Ethiopia đã tăng cường năng lực giám sát và chẩn đoán để phát hiện nhanh chóng các ca nhiễm.
WHO đang tiếp tục hỗ trợ các nước trong cả bốn nhóm trên.
Cụ thể, WHO đã chuyển nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân tới 57 quốc gia, chuẩn bị vận chuyển đến 28 nơi khác và đã vận chuyển vật tư phòng thí nghiệm đến 120 nước.
WHO đã làm việc với các đồng nghiệp trên toàn hệ thống của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ các nước phát triển thực hiện các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó, theo 8 trụ cột.
Tổ chức này cũng đã thiết lập một nền tảng đối tác để phù hợp với nhu cầu của đất nước với sự đóng góp từ các nhà tài trợ.
Ông Tedros cho biết: Nhiều quốc gia và đối tác đã hỗ trợ cho công tác ứng phó với dịch Covid-19. Ngay từ cuối tuần trước, Azerbaijan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Vương quốc Ả Rập Xê Út đã tuyên bố đóng góp.
Gần 300 triệu USD hiện đã được cam kết cho Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược của WHO.
“WHO đánh giá cao những dấu hiệu của sự đoàn kết toàn cầu. WHO sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia hành động sớm và tích cực để bảo vệ người dân và cứu mạng sống của họ” – người đứng đầu WHO nhấn mạnh.
Ông Tedros cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có một số ít các quốc gia có dấu hiệu lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Hầu hết các nước vẫn có số lượng ca nhiễm lẻ tẻ hoặc các khu vực nhiễm cụ thể. Chúng ta phải lấy đó làm động lực để không lùi bước trong cuộc chiến chống Covid-19”.