Hà Nội đồng bộ hóa hệ thống quan trắc
Môi trường - Ngày đăng : 12:16, 10/03/2020
Quan trắc môi trường không khí đã đi vào cuộc sống
Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Hà Nội) cho biết, thành phố đã đầu tư quan trắc môi trường không khí từ 2016 và đi vào vận hành chính thức từ tháng 12/2016 gồm 10 trạm với 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến.
Hệ thống quan trắc môi trường không khí khi vận hành đến nay đã cập nhập một hệ thống hoàn thiện đầy đủ về các chỉ số đánh giá chất lượng cơ bản môi trường theo Quy chuẩn 05 và Thông tư 32 của Bộ TN&MT, gần đây nhất, có hướng dẫn về chỉ tiêu, chỉ số chất lượng không khí theo Quyết định 1459/QĐ-TCMT ban hành tháng 11/2019.
Trong đó, trạm cố định cung cấp các chỉ số, thông số tiêu chuẩn, quy chuẩn để phản ánh đến người dân một cách trung thực nhất, đồng thời, là cơ sở để nghiên cứu khoa học, đưa ra những giải pháp quản lý Nhà nước để khắc phục, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường không khí.
Ông Thái cho biết, hiện nay, TP. Hà Nội đã giao cho Sở TN&MT làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư Hệ thống quan trắc không khí đồng bộ; trong năm 2020 - 2021 hoàn thành hệ thống quan trắc tự động, gồm 20 trạm cố định, 1 trạm lưu động.
Thành phố cũng xây dựng ứng dụng, mô hình hóa để dự báo như: dự báo thời tiết, dự báo chất lượng không khí ngày mai, ngày kia như thế nào... trên cơ sở số liệu quan trắc ra được phương án chất lượng không khí như thế nào, ảnh hưởng tới đâu. Ông Thái dẫn chứng và cho biết, ứng dụng mô hình mà Sở TN&MT đang nghiên cứu có thể cho phép cập nhật dữ liệu 5 phút/lần, phản ánh trung thực nhất chất lượng không khí hàng giờ, hàng ngày.
Khẳng định hệ thống quan trắc không khí trên địa bàn TP. Hà Nội hoạt động ổn định và đi vào cuộc sống, ông Thái cho hay, tất cả các chỉ số, thông số cập nhập người dân đều được tìm hiểu qua hệ thống thông tin điện tử, báo, đài... người dân cũng tiếp cận và hiểu được chỉ số AQI là gì, thế nào là bụi mịn, các vấn đề về ô nhiễm không khí để có cách phòng chống bảo vệ sức khỏe.
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thiện 81 trạm quan trắc không khí trong năm 2020 |
Quan trắc nước mặt - cần đồng bộ cả lưu vực
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, cùng với hệ thống quan trắc không khí, quan trắc nước mặt cũng được thành phố quan tâm đầu tư với 6 trạm quan trắc nước mặt từ năm 2017 ở sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm... “Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm 5 trạm quan trắc nước mặt, 1 trạm quan trắc lưu động”, ông Thái cho hay và thông tin thành phố cũng sẽ có cụm công trình 6 trạm quan trắc nước dưới đất. Như vậy, Hà Nội sẽ có một hệ thống quan trắc nước đồng bộ.
Theo ông Thái, tất cả dữ liệu từ các trạm quan trắc nước đã cung cấp thông tin xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, cảnh báo giải pháp, cách khắc phục phù hợp. Chẳng hạn như ở Hồ Hoàn Kiếm, nhờ có thông số, dữ liệu từ quan trắc nước mặt đã thực hiện nạo vét, phổ cập nước mà chất lượng nước hồ hiện nay đang rất tốt. Hay ở Hồ Tây, thành phố cũng đang lập dự án nạo vét tổng thể, thu gom nước thải, không xả thải ra nữa để cải thiện môi trường nước, ổn định hệ sinh thái, đảm bảo tất cả cá thể sinh vật được phát triển trong môi trường trên 500ha.
Đối với các sông Nhuệ, Đáy, Cầu Mây, thành phố đang kiểm tra, xác định nguồn xả thải gây ô nhiễm là gì mới có phương án xử lý. Tuy vậy, vấn đề là các cửa xả thải ở nhà máy, cơ sở sản xuất phải được thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường. Ví dụ, lưu vực sông Cầu Mây chạy qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương thì trên địa phận các tỉnh cũng phải tham gia, đồng hành.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, Tập đoàn THT đang hỗ trợ cho Thành phố 24 trạm quan trắc không khí được vận hành chính thức trong tháng 3/2020; sau đó là 26 trạm trong tháng 4/2020 kết hợp với 10 trạm đã đầu tư từ 2016, Hà Nội sẽ có một hệ thống quan trắc không khí đồng bộ.