Thiết lập mạng lưới quan trắc - nâng cao năng lực cảnh báo môi trường: Xây dựng tầm nhìn chiến lược

Môi trường - Ngày đăng : 12:16, 10/03/2020

(TN&MT) - Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giám sát chặt chẽ môi trường quốc gia

Việc xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia sẽ bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới và chương trình quan trắc đa dạng sinh học để đánh giá hiện trạng, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.

Cụ thể, cần xây dựng được quy hoạch các trạm quan trắc môi trường phục vụ việc quan trắc môi trường nền và quan trắc môi trường tác động tới năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu theo dõi diễn biến chất lượng môi trường quốc gia.

Xây dựng mạng lưới các điểm quan trắc theo từng thành phần môi trường bao gồm quan trắc môi trường nền và quan trắc môi trường tác động, cung cấp thông tin, dữ liệu về chất lượng môi trường cho quản lý; xây dựng hệ thống quan trắc đa dạng sinh học và các thông số quan trắc chủ yếu về đa dạng sinh học.

Tăng cường năng lực cho các trạm quan trắc môi trường hiện có và các trạm quan trắc môi trường địa phương. Thiết kế hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường quốc gia, xây dựng cơ chế điều phối, chia sẻ thông tin quan trắc môi trường giữa các mạng lưới/chương trình quan trắc.

Cần hiện đại hóa quan trắc môi trường

Sẽ “phủ trùm” mạng lưới quan trắc môi trường cả nước

Công tác quan trắc môi trường được thực hiện đối với các thành phần môi trường khác nhau, bao gồm: nước, không khí, đất, trầm tích, tiếng ồn, .…

Việc xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt và trầm tích cần dựa trên phân vùng các khu vực quan trắc nước mặt và trầm tích. Việc phân vùng này căn cứ vào các số liệu phát triển kinh tế, xã hội; rà soát các nguồn tác động chính tới các lưu vực sông; phân loại các sông chính trên địa bàn cả nước theo mức độ ô nhiễm/chịu tác động, từ đó, xác định mục đích quan trắc theo từng khu vực. Tiến tới, xây dựng các trạm, điểm quan quan trắc môi trường nền và quan trắc tác động môi trường theo các khu vực chịu tác động tại các lưu vực sông liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, các hồ lớn, các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh. Xây dựng vị trí các điểm cần quan trắc tự động nước mặt để theo dõi thường xuyên, liên tục diễn biến, đồng thời, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường (các khu vực đầu nguồn, khu vực tập trung nhiều nguồn thải lớn, khu vực có các điều kiện thủy văn phức tạp, không thuận lợi cho việc tự làm sạch của nguồn tiếp nhận…).

Về việc xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí quốc gia, sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng các điểm quan trắc môi trường nền và quan trắc tác động môi trường theo các khu vực chịu tác động; kế thừa các điểm, trạm quan trắc về khí tượng; nghiên cứu, đề xuất các vị trí quan trắc đối với thông số bụi Nano phục vụ cung cấp dữ liệu, nghiên cứu ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đồng thời, xây dựng mạng lưới quan trắc không khí xuyên biên giới: khu vực các điểm giáp ranh, gần biên giới, các điểm chịu tác động xuyên biên giới căn cứ theo hướng gió và các yếu tố khí tượng.

Ngoài ra, trong xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường nước biển và trầm tích, sẽ xây dựng vị trí các điểm cần quan trắc tự động nước biển để theo dõi thường xuyên, liên tục diễn biến, đồng thời, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mạng lưới quan trắc môi trường đất quốc gia được xây dựng ở khu vực có nguy cơ suy thoái do sử dụng phân bón nông nghiệp, các khu vực xâm nhập mặn, khu vực ảnh hưởng bởi phát sinh chất thải...

Các đơn vị chức năng còn xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc môi trường nước ngầm; xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường mưa axit; xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường đối với các khu vực chịu tác động lớn bởi hoạt động sản xuất công nghiệp; mạng lưới quan trắc tiếng ồn…

Xây dựng quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia phải phù hợp với phân vùng môi trường, định hướng quan trắc và cảnh báo môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường.

Yên Thi