Giữ vững kỷ luật của Đảng

Xã hội - Ngày đăng : 11:14, 10/03/2020

(TN&MT) - Lắng nghe ý kiến để đưa ra những quyết sách đúng đắn là việc làm thường xuyên của mỗi người lãnh đạo. Tuy vậy, trong mỗi cuộc họp không phải ý kiến nào cũng đúng tầm, đúng tâm (ở nhiều trường hợp, việc lấy ý kiến lại chỉ là một hình thức bởi chuyện ấy đã quyết rồi). Và người lãnh đạo cần lắng nghe, cân nhắc để đưa ra những quyết định cuối cùng chuẩn xác.

Bây giờ, trong không ít cuộc họp, người ta dễ tìm thấy (nghe thấy) những ý kiến, những biểu hiện rất riêng, rất đa nghĩa. Người thì im lặng. Loại này có thể chia làm 2 nhóm, thứ nhất: đã biết trước hoặc bị cô lập (chưa có điều kiện để nói nên “im lặng là thượng sách”); thứ hai: tự ti, lắng nghe.

Người thì phát biểu rất hùng hồn, thể hiện quan điểm lập trường rất kiên định, nhưng cũng chỉ nói chung chung. Loại này có thể chia 2 nhóm: Một là, nói thật lòng; số còn lại, “nói thế” nhưng không “nghĩ thế” - tức là thuộc phần tử cơ hội. Người thì phát biểu "thao thao bất tuyệt" và lên án nặng nề về rất nhiều vấn đề, vụ việc nổi cộm tiêu cực, khó khăn, bức xúc, nhức nhối… nhưng chẳng đưa ra được giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ, xử lý có tính khả thi nào.

Những biểu hiện trên không phải không được nhìn thấy, mà trong các báo cáo chính trị của Đảng cũng đã chỉ ra rằng: “tình trạng nói nhiều, làm ít, làm không đến nơi, đến chốn hoặc không làm còn diễn ra ở nhiều nơi… Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt, yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiên phong, gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ.”

Ảnh minh họa

Lắng nghe các ý kiến và ý kiến phản hồi để giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm. Quyết đoán và tự chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực thuộc mình quản lý là yêu cầu cần có của người đứng đầu.

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tháng 10/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định: "Chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị từng đồng chí ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.

Đại hội Đảng các cấp đang được triển khai ở cơ sở, việc cần phải lắng nghe, phân tích thấu đáo các ý kiến ở từng cấp cơ sở Đảng để sàng lọc, lựa chọn là hết sức cấp thiết.

Từ lời nói đến hành động là cả một quá trình, một sự thử thách ghê gớm. Đất nước đang cần những người thể hiện tư duy mới trong cách làm việc, điều hành công việc, nói đi đôi với làm. Người dân cũng đang rất mong có nhiều những người cán bộ như thế. Đó là những người tiên phong gương mẫu, luôn đề xuất các giải pháp khả thi... Và bất kỳ ở đâu cũng thế, để có được những người như vậy, công tác sàng lọc, lựa chọn cán bộ cần phải được đặc biệt quan tâm.

Bởi lẽ, có cơ chế tuyển dụng người tài theo hướng công khai, minh bạch, mới thu nạp được con người tốt để vận hành tốt bộ máy Nhà nước. Còn không, tình trạng “cán bộ yếu kém, không ngang tầm nhiệm vụ ”… còn lặp lại, chưa dứt.

 

 

Ngọc Lý