Hỗn loạn không gian

Xã hội - Ngày đăng : 09:28, 10/03/2020

(TN&MT) - Sự hỗn loạn và không điều tiết được của giá cả xây dựng cũng như bất động sản là một tác động có thực đến “ô nhiễm kiến trúc”.

Nếu như những bản quy hoạch và công trình của đô thị cũ do người Pháp để lại, cơ bản là sạch sẽ, càng về sau nó càng bị ô nhiễm. Ở một góc độ khác, sự ô nhiễm này sẽ “thải” một đống xà bần không nhỏ vào tương lai.

Bộ mặt kiến trúc Việt Nam gần đây mang nét lộn xộn nham nhở của loại hình cư trú ở mức độ chạy theo đáp ứng về lượng. Thế nhưng lượng này mới chỉ phản ánh được sự đuổi bắt không hồi kết với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong tình hình kinh tế sa sút, lượng này có nguy cơ trở thành một di chứng nặng nề của sự cẩu thả, chắp vá, của rất nhiều thứ liên quan được nóng lên thành cơn sốt.

Sự lãng phí trong xây dựng, việc đuổi theo các hình thức kiến trúc nặng về trang trí rập khuôn, cũng như mỗi nhà một kiểu kiến trúc không ăn nhập với nhau, thực tế là một khía cạnh của ô nhiễm kiến trúc về mặt kinh tế. Nắn chỉnh một tuyến đường thiếu đồng bộ đương nhiên tốn kém hơn nhiều so với triển khai có kế hoạch tốt.

Những khu đô thị mới với những tòa chung cư như rừng bê tông, chủ đầu tư gạt bỏ những phần phụ trợ do kiến trúc sư đưa ra để làm giảm chi phí và tăng mật độ xây dựng, lại là một chiều ngược lại với sự lãng phí. Nhưng kết quả cũng vẫn là một sự ô nhiễm được báo trước.

Ảnh minh họa

Bình quân không gian xanh công cộng trong nội thành các đô thị Việt Nam hiện đạt 1.7m2/người, trong khi bình quân tại các nước phát triển là 20m2/người. Dĩ nhiên, mọi so sánh đều có những điểm vênh. Song, riêng đối với không gian công cộng, từ định nghĩa của nó, đã là một chỉ dấu về sự bình đẳng.

Hơn 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã có những bước phát triển thần kỳ. Nhưng không gian công cộng của người dân thì bị thu hẹp. Công viên, các công trình văn hóa đều bị xây tường rào, bán vé, tước đi quyền tiếp cận của người nghèo, thậm chí, nhiều nơi đã được biến thành các cơ sở kinh doanh ăn uống. Các sân chơi trong khu tập thể dần biến mất bởi sự lấn chiếm công khai, bị thay đổi mục đích sử dụng.

Điều đó cho thấy, đã có một thời gian dài, các nhà quản lý đô thị của chúng ta đã quên đi khái niệm cơ bản về không gian đô thị, như thể nó chưa từng tồn tại, như thể nó đã mặc nhiên trở thành quỹ đất để phát triển.

Có quá nhiều điều để nói về ý nghĩa của không gian công cộng trong đô thị khi về bản chất nó giống như những khoảng thở của phố phường, điều phối tiết tấu của nhịp sống đô thị, là cơ hội tạo nên sự tương tác của thị dân. Tuy vậy, những điều đó đều trở nên vô nghĩa khi đất là vàng, khi những khoảng không gian ấy chỉ được nhìn như những lợi ích, những cơ hội kiếm tiền, cho dù công hay tư.

Phương Anh