Cần giảm thuế, phí để “cứu” doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 23:17, 09/03/2020

(TN&MT) - Trước tác động từ dịch Covid-19, ngoài chính sách giảm lãi suất, Nhà nước cần giảm thuế, phí... cho doanh nghiệp nhằm hạn chế suy giảm kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng đến 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,1% - còn 3,3% (trước đó IMF dự báo tăng trưởng 3,4%). Còn tại Việt Nam, nếu Covid-19 được khống chế trong quý I/2020 thì kinh tế nước ta được dự báo tăng trưởng 6,3%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho thấy tính đến ngày 19/2, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức âm 0,28% so với cuối năm, thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Với diễn biến này, dự báo tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cũng ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm, vào khoảng 7,36%.

Một trong những vấn đề nổi cộm của doanh nghiệp trong thời khủng hoảng là tài chính

Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cũng cho rằng dưới tác động của Covid-19, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ có sự giảm sút khi tính hết tháng 2, tín dụng mới tăng 0,77% thấp hơn cùng kỳ.

Ông Lê Hồng Hà, giám đốc Công ty TNHH Nội thất Hồng Hà chia sẻ, vấn đề mà doanh nghiệp mong muốn lúc này là chính phủ cần tăng thêm hỗ trợ qua việc giảm thuế, phí… và tăng chi tiêu của chính phủ.

Khi giảm thuế, phí, doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính. Còn việc chính phủ tăng chi tiêu tức là số tiền dành cho đầu tư công sẽ nhiều hơn, tạo thêm việc làm giúp cho nền kinh tế có thêm tiền, làm tăng sức mua, kích thích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Như thế, tại thời điểm này, việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa sẽ quan trọng hơn chính sách tiền tệ.

Ông Phạm Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ và Phát triển Hà Nội kiến nghị, trước mắt nhà nước có thể giảm thuế khoán đối với hộ kinh doanh vì thuế suất của sắc thuế này do chính quyền các tỉnh, thành phố quyết định. Còn việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất trong vài năm tới, tiếp tục thúc đẩy kinh tế đi lên.

Quả thật, một trong những vấn đề nổi cộm của các doanh nghiệp trong thời khủng hoảng là tài chính. Ông Hoàng Anh Thắng, Trưởng phòng Kinh doanh – Tài chính Công ty TNHH sản xuất Thương mại Hoàng gia chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng chi phí hợp lý là điều quan trọng nhất trong giai đoạn này. Các doanh nghiệp nên kiểm soát lại các khoản vay, giảm vay vốn để mở rộng kinh doanh và không nên trông chờ vào các biện pháp giải cứu của Chính phủ.

Để tự cứu mình, một số doanh nghiệp đã có phương án kinh doanh mới để giải quyết khó khăn và gỡ khó cho xã hội như đẩy mạnh bán hàng qua các kênh gián tiếp như mạng xã hội, website, thậm chí điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao đến tận nhà cho khách.

Hoặc như Tập đoàn An Nông, để cứu thanh long, cứu nông dân và cứu chính mình, tập đoàn này đã đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để làm ra các sản phẩm chế biến sâu từ trái thanh long như nước ép và thanh long sấy. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu ép và ủ thanh long bằng công nghệ enzyme ra nước ép nguyên chất đóng chai xuất khẩu, hạt thanh long được thu hồi để ép dầu và chế biến các loại bánh cho người ăn kiêng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy các bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công; định hướng Bộ Tài chính sớm ban hành gói hỗ trợ khoanh, giãn thuế 30.000 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại cũng đã tính đến việc khoanh, giãn nợ, dành sẵn 285.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại khoanh, giãn nợ và miễn, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trên cơ sở này, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.

Phạm Thu Hà