WMO hỗ trợ các hoạt động quan trắc, viễn thám về băng quyển
Môi trường - Ngày đăng : 13:18, 09/03/2020
Khả năng mất hơn 80% khối lượng băng hiện tại vào năm 2100
Biến đổi khí hậu đang tác động đến các vùng núi, nơi chiếm khoảng một phần tư bề mặt đất Trái đất và là nơi sinh sống của khoảng 1,1 tỷ người. Chúng được gọi là “tháp nước của thế giới”, vì các lưu vực sông có thượng nguồn trên núi cung cấp nước ngọt cho hơn một nửa nhân loại, bao gồm cả vùng Kush và khu vực bình nguyên Tibet thuộc dãy núi Himalaya-Hindu, thường được gọi là Cực thứ ba của Trái đất.
Băng quyển - hay vùng nước đóng băng - bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Sông băng đang thu hẹp, tuyết và băng đang tan chảy và băng vĩnh cửu cũng đang tan dần. Điều này dẫn đến sự gia tăng ngắn hạn về sạt lở đất, lở tuyết và lũ lụt và mối là mối đe dọa lâu dài đối với an ninh nguồn nước đang cung cấp cho hàng tỷ người.
Hiện tượng các sông băng suy giảm kích thước đã được tìm thấy ở châu Âu, miền đông châu Phi, vùng nhiệt đới Andes và Indonesia. Ảnh minh họa |
Báo cáo đặc biệt trong bối cảnh BĐKH của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về Đại dương và Băng quyển đã chỉ ra, hiện tượng các sông băng suy giảm kích thước đã được tìm thấy ở châu Âu, miền đông châu Phi, vùng nhiệt đới Andes và Indonesia. Chúng được dự đoán sẽ bị mất hơn 80% khối lượng băng hiện tại vào năm 2100, trong kịch bản phát thải cao. Sự thu hẹp của Băng quyển khu vực núi cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến các hoạt động giải trí, du lịch và văn hóa.
Khi các sông băng khu vực núi bị thu hẹp, trữ lượng và chất lượng nguồn nước cũng bị ảnh hưởng ở hạ lưu, gây nên những tác động đối với nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và thủy điện.
Các hành động nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu sẽ giúp mọi người thích nghi với những thay đổi của nguồn nước cung cấp ở vùng núi, và hơn nữa, điều này có thể hạn chế rủi ro liên quan đến các thiên tai khu vực núi.
Các sông băng trên núi cao và các tảng băng ở vùng cực đang bị thu hẹp, dẫn đến việc gia tăng mực nước biển, sự ấm dần lên của đại dương.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), trong thế kỷ 20, mực nước biển đã tăng lên khoảng 15 cm trên toàn cầu.Và hiện tại nó đang tăng nhanh hơn gấp đôi với tốc độ 3,6 mm mỗi năm và đang có xu hướng tăng thêm.
Tích hợp Quan trắc và Dự báo cho khu vực núi cao
Trong bối cảnh đó, Chương trình giám sát băng quyển toàn cầu của WMO xây dựng một cơ chế quốc tế để hỗ trợ tất cả hoạt động quan trắc, viễn thám chủ yếu về băng quyển. Chương trình này cung cấp cho các bên liên quan về dữ liệu, thông tin và kết quả phân tích trong quá khứ, hiện tại và tương lai về băng quyển.
Nhằm xác định các ưu tiên để bảo vệ các ngọn núi cao và băng quyển, tháng 10/2019, WMO đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh núi cao; qua đó thống nhất đưa ra Sáng kiến về tích hợp Quan trắc và Dự báo dành cho khu vực núi cao như là một trong những công cụ để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu, băng tuyết tan và các mối hiểm họa liên quan đến nguồn nước.
Hội nghị cũng nhất trí về mục tiêu những cộng đồng dân cư sống ở vùng núi cũng như vùng hạ lưu phải có quyền truy cập mở đối với các dịch vụ thông tin về khí hậu, khí tượng, băng quyển và thủy văn để giúp họ thích nghi và quản lý các mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra.
Mực nước biển trung bình toàn cầu hiện nay đang tăng với tốc độ 5 mm/năm, tương ứng với lượng nước chảy từ sông Amazon trong khoảng 3 tháng.