Học sinh nghỉ học vì Covid-19: Giáo viên, nhà trường ngoài công lập “khóc ròng”
Xã hội - Ngày đăng : 13:50, 08/03/2020
Các trường mầm non tư thục cũng như hàng loạt trung tâm ngoại ngữ đang “khóc dở, mếu dở” vì chịu tổn thất nặng nề |
Trường tư thục “khóc dở, mếu dở” vì Covid-19
Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam và trong tương lai gần có thể vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp.
Đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên toàn quốc đã hoàn toàn ủng hộ các biện pháp khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19, nghiêm túc thực hiện các các quyết định tạm đóng cửa các cơ sở giáo dục, đảm bảo an toàn vệ sinh và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, trong đó các trường mầm non tư thục cũng như hàng loạt trung tâm ngoại ngữ đang “khóc dở, mếu dở” vì chịu tổn thất nặng nề.
Chia sẻ với PV Báo TN&MT, cô N.K.L – Hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai Việt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Đợt dịch Covid-19 xảy ra vào đúng dịp Tết – khoảng thời gian mà ai cũng phải chi tiêu nhiều khoản, vì thế mọi người “khó khăn một” thì các thầy, cô giáo trường tư thục như chúng tôi “khó khăn mười”.
Cô N.K.L tâm sự: “Đối với các trường mầm non tư thục như trường tôi, hoạt động của nhà trường phụ thuộc hoàn toàn vào học phí của học sinh. Vì thế, khi học sinh nghỉ học, nhà trường không có khoản nào để thu nên không có tiền chi cho lương giáo viên.
Từ khi trường Mầm non Sao Mai Việt cho học sinh nghỉ học, cô Thanh Loan cùng cô Hiệu trưởng và các cô giáo trong trường thường xuyên vệ sinh môi trường trường học vào thứ 7 hàng tuần |
Đặc biệt, khoảng thời gian hơn 2 tháng qua, khi học sinh nghỉ Tết và sau đó là nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, trường phải trả rất nhiều chi phí cho tiền thuê trường, tiền điện, nước, Internet và cả tiền hỗ trợ giáo viên, tổng lên đến gần 40 triệu đồng/1 tháng.
Đó là còn chưa kể tiền phát sinh mọi thứ, chẳng hạn như kể từ khi có dịch Covid-19, mỗi thứ 7 hàng tuần trường phải mua Cloramin B để khử khuẩn mà chất khử trùng này hiện nay đang có giá rất cao”.
“Nhà trường đang vô cùng khó khăn, giáo viên không có lương, nhà trường cũng chưa biết bấu víu vào đâu để có tiền trả lương cho các cô. Trường chỉ có thể giúp giáo viên bằng cách hỗ trợ chút kinh phí cho các cô vào mỗi thứ 7 khi các cô đến trường tổng vệ sinh môi trường và khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19” – cô N.K.L chia sẻ.
Trước vô vàn những khó khăn như trên, cô N.K.L mong muốn các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập, trong đó có các trường mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ để có kinh phí chi trả lương cho giáo viên, giáo viên có tiền để đóng bảo hiểm liên tục và không tìm việc khác.
Thời Covid-19, cô giáo cũng “đi buôn”
Đúng như những chia sẻ của cô N.K.L, trong thời điểm học sinh nghỉ học phòng chống Covid-19, nhiều cô giáo trong trường Mầm non Sao Mai Việt đã phải buôn bán, kinh doanh nhiều mặt hàng để xoay sở cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với vô vàn khoản cần chi tiêu.
“Chúng tôi đang không biết khi nào trường mới mở cửa trở lại và học sinh được đi học lại. Chúng tôi không thể cứ ngồi chờ đến khi đó, vì thế trong thời gian học sinh nghỉ học, tôi vừa ở nhà trông con, vừa bán hàng online để có thêm thu nhập cho gia đình” – cô Thanh Loan, giáo viên trường Mầm non Sao Mai Việt chia sẻ.
Khi PV hỏi về những mặt hàng cô bán thì cô nửa đùa nửa thật: “Nhà báo muốn mua gì tôi cũng bán, chỉ trừ những mặt hàng cấm. Thời điểm này, nếu không tìm việc khác để làm thì những giáo viên như tôi biết “sống sót” ra sao?”.
Phải tận mắt chứng kiến cảnh cô Thanh Loan vừa chăm 3 đứa con vừa trả lời khách mua hàng trên mạng, xung quanh là những đống hàng ngổn ngang chuẩn bị giao cho khách, PV mới cảm nhận rõ sự vất vả của các cô giáo trường mầm non tư thục nói riêng và các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay.
Vệ sinh đồ dùng học tập và đồ chơi của học sinh cũng là việc làm định kỳ hàng tuần của trường Mầm non Sao Mai Việt |
Đồng cảnh ngộ với cô Thanh Loan, cô U.H.N – giáo viên của một trung tâm tiếng anh (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Từ khi học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, tôi từ cô giáo đã trở thành “con buôn”. Tôi buôn đủ mọi thứ, từ khẩu trang, tinh dầu sả đến các loại hoa quả, bánh trái… để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cô M.P, Giám đốc trung tâm tiếng anh nơi cô U.H.N giảng dạy cho rằng, việc hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam phải đóng cửa sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn trong nâng cao kỹ năng ngoại ngữ cũng như đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế.
“Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn!” – cô M.P cho biết thêm.
Từ những chia sẻ của các nhà giáo, có thể thấy, các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đang kiệt sức nghiêm trọng và dần mất tính thanh khoản do học sinh phải liên tiếp nghỉ học tránh dịch Covid-19. Trong gần ba tháng qua, những nhà đầu tư giáo dục tư nhân đã phải “gồng mình” chịu tất cả những hậu quả của dịch Covid-19.
Chính vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội và của Nhà nước để các cơ sở này có thể “sống sót” qua mùa dịch.