Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quản lý khoáng sản khu vực dự trữ

Khoáng sản - Ngày đăng : 15:30, 06/03/2020

(TN&MT) - Ngày 6/3/2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên về các nội dung xây dựng Nghị định Quy định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Trong Luật Khoáng sản có nêu rõ, cần bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhưng chưa quy định ở các khu vực dự trữ khoáng sản thì trên mặt có được triển khai các dự án kinh tế khác hay không. Do đó việc xây dựng Nghị định Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt là vô cùng cần thiết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương đã nêu rõ tính cấp thiết và cơ sở pháp lý để ban hành Nghị định. Theo đó Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản, trong đó có các khu vực dự trữ khoáng sản titan sa khoáng, cát trắng,...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Đỗ Cảnh Dương, trong hai năm trở lại đây, nhiều địa phương như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... có nhu cầu phát triển các dự án du lịch, điện gió, điện mặt trời.… Đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai các dự án trên mặt tại các khu vực dự trữ khoáng sản.

Tại Quyết định số 645/QĐ-TTg phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản, nhưng chưa quy định tính pháp lý để triển khai các dự án. Luật Đầu tư, Luật Đất đai cũng chưa có quy định cụ thể về việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản dự trữ; Luật Khoáng sản cũng chưa quy định ở các khu vực dự trữ khoáng sản thì trên mặt có được triển khai các dự án kinh tế khác hay không.

Từ những vấn đề nêu trên đặt ra vấn đề cấp thiết phải xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”. Bộ TN&MT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ (số 39/TTr-BTNMT ngày 05/8/2019) đề nghị xây dựng, ban hành Nghị định. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo (tại các VB số 355/VPCP-CN ngày 03/10/2019; 379/TB-VPCP ngày 24/10/2019) giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”.

Tổng cục trưởng Đỗ Cảnh Dương cho biết thêm, nội dung chính của Dự thảo nghị định gồm 10 điều, trong đó quy định rõ 4 nội dung chính gồm: Khu vực dự trữ khoáng sản; thời gian dự trữ khoáng sản; điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản; quản lý, bảo vệ khoáng sản dự trữ.

Cụ thể, khu vực dự trữ khoáng sản quy định căn cứ khoanh định khu vực dự trữ quốc gia gồm kết quả điều tra cơ bản, địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; quy định khu vực dự trữ phải có đủ số liệu về tài nguyên, trữ lượng, diện tích.

Trong nội dung về thời gian dự trữ khoáng sản, Dự thảo nghị định quy định thời gian dự trữ khoáng sản tối đa đến 50 năm. Thời gian dự trữ được gia hạn khi: thời gian dự trữ còn lại không đủ vòng đời dự án; thời gian dự trữ được phê duyệt kết thúc trong khi chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng khoáng sản.

Về nội dung điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quy định căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác và nhu cầu sử dụng khoáng sản; nhu cầu phát triển các dự án kinh tế, xã hội trên mặt...

Về quản lý, bảo vệ khoáng sản dự trữ ở các khu vực triển khai dự án kinh tế xã hội trên mặt thì: đối với khu vực có khoáng sản dự trữ trên mặt sẽ thu hồi khoáng sản trong diện tích của dự án theo Điều 65 của Luật Khoáng sản; đối với khu vực có khoáng sản dự trữ sâu hơn độ sâu xây dựng công trình sẽ tiếp tục dự trữ; đối với khu vực có khoáng sản dự trữ cả trên mặt và dưới sâu sẽ thu hồi khoáng sản trong diện tích của dự án đến độ sâu xây dựng công trình theo Điều 65 của Luật Khoáng sản, phần dưới sâu tiếp tục dự trữ.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao sự tập trung làm việc cũng như sự cố gắng tìm hiểu những Luật có liên quan của Tổng cục. Thứ trưởng góp ý không nhất thiết phải quy định thời gian dự trữ khoáng sản là 50 năm mà có thể đề xuất dài hơn; yêu cầu Tổng cục khẩn trương hoàn thiện và tập trung vào chất lượng soạn thảo Nghị định; đồng thời lưu ý mọi quy định của Nghị định cần dựa trên nguyên tắc chung.

Phạm Thu Hà