Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá bền vững: Doanh nghiệp gặp khó

Đất đai - Ngày đăng : 11:21, 05/03/2020

(TN&MT) - Có 4 khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận đất đai để tập trung, tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp: khả năng tiếp cận, tích tục đất đai còn hạn chế; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa khả thi; định giá đất; thủ tục hành chính.

Nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, về khả năng tiếp cận, tích tụ đất đai, doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp, chỉ thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Còn doanh nghiệp nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

 Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn sự lúng túng, chưa rạch ròi giữa các hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà bên góp vốn chuyển giao toàn bộ quyền sử dụng đất cho bên nhận góp vốn với hình thức góp vốn để hợp tác kinh doanh trong một thời hạn nhất định; chính sách bảo vệ quyền lợi của bên góp vốn chưa rõ ràng, đầy đủ; xử lý các quyền và nghĩa vụ có liên quan khi dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh bị chấm dứt hoặc nhà đầu tư bị giải thể, phá sản theo quy định đối với trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp với nhà đầu tư như thế nào?

Có đến 31% trong tổng số 700 doanh nghiệp khi được hỏi cho rằng, đất đai là thủ tục hành chính gây phiền hà nhất trong quá trình thực hiện đầu tư; xếp trên các yếu tố về thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường kinh doanh, thị trường, giao thông.

Về định giá đất, khung giá đất, Nhà nước hiện hành chưa phù hợp với thị trường, thường chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường. Khung giá đất do tỉnh ban hành cũng chỉ bằng từ 30 - 60% giá đất thị trường tại địa phương. Chưa có cơ chế tính giá đất rõ ràng, minh bạch và có nguy cơ tranh chấp trong đền bù giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, ông Phan Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Vĩnh Hòa tại Nghệ An cho biết, trước đây, doanh nghiệp từng rất lận đận để có thể duy trì được trên 100 ha đất sản xuất lúa ở hai huyện Yên Thành và Diễn Châu. Ðể cải tạo thành đất có thể trồng lúa năng suất cao, chất lượng tốt, doanh nghiệp đã phải đầu tư tối thiểu 5 - 7 tỷ đồng cho 1 ha. Tuy vậy, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng thuê đất 5 năm 1 lần.

“Dù có nhu cầu duy trì diện tích đất cho trồng lúa trên quy mô lớn, song hiện trạng ký hợp đồng thuê lại có thời hạn ngắn như vậy rất bấp bênh, nên doanh nghiệp không dám đầu tư sâu thêm. Ðó là chưa kể, muốn thuê đất của người dân cho sản xuất cũng rất khó khăn do không thống nhất, trong khi xu hướng nông dân bỏ ruộng không sản xuất ngày càng nhiều, dẫn đến lãng phí rất lớn” - ông Hòa phản ánh.

Thủ tục hành chính đất đai gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: MH

Tháo gỡ về hạn điền

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chồng chéo pháp luật về đầu tư kinh doanh cũng là thực trạng đáng lưu tâm. Kết quả khảo sát của VCCI qua việc thu thập ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương với 333 ý kiến của hơn 40 hiệp hội, đồng thời, rà soát 20 luật và hàng chục văn bản dưới luật cho thấy: Mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư tập trung tại các luật: đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước…

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, có sự bất cập, manh mún trong chính sách sở hữu đất đai đang là rào cản lớn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vốn là yếu tố mấu chốt giúp nâng cao hiệu quả, doanh thu và lợi nhuận ngành nông nghiệp.

Do đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể cũng như phù hợp để giải quyết bài toán cân bằng lợi ích giữa việc tích tụ đất cho doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và tạo dựng được sinh kế bền vững cho người nông dân. Có như vậy, mới khắc phục được khoảng cách từ quy định tới thực tế.

Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị, cần tháo gỡ các rào cản tích tụ đất đai hiện nay về hạn điền, biện pháp bảo đảm thực hiện, góp vốn... Bảo vệ quyền sở hữu và quyền hợp đồng của doanh nghiệp; xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp: Luật Đất đai, Nghị định về tích tụ đất đai; cải cách thủ tục hành chính; rà soát, tháo gỡ các chồng chéo pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên thường xuyên tổ chức các hội thảo giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, vấn đề đất đai của doanh nghiệp nói chung…

Thống kê của VCCI năm 2018 cho thấy, doanh nghiệp ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đang gia tăng nhanh chóng, địa bàn hoạt động đông nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc; ít nhất là tại Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên. Tuy vậy, các doanh nghiệp này số đông vẫn nhỏ, quy mô lao động phổ biến chỉ từ 10 đến 49 người.

Trường Giang