Trầm lắng giao dịch đất vùng ven

Bất động sản - Ngày đăng : 11:20, 05/03/2020

(TN&MT) - Sau Tết Nguyên đán 2020, thị trường bất động sản (BĐS) tại các tỉnh vùng ven TP.HCM trở nên trầm lắng. Giao dịch mua bán nhà đất giảm do thiếu hụt nguồn hàng sơ cấp, tác động từ dịch bệnh Covid-19, chính quyền địa phương thực hiện những giải pháp hành chính siết chặt giao dịch, cấm phân lô bán nền tràn lan…

Giao dịch giảm

Đầu năm 2018, TP.HCM siết chặt các dự án khiến doanh nghiệp (DN) BĐS gặp không ít khó khăn, nhiều DN buộc phải tiếnra vùng ven để duy trì được hệ thống kinh doanh, nhân viên môi giới BĐS có hàng để bán, điều này làm dấy lên làn sóng đầu tư BĐS vùng ven TP.HCM. Cũng từ đây, các địa phương từng nóng sốt như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đến các thị trường trầm lắng hơn như Bình Phước đã trở nên nóng hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư đổ về.

Khảo sát cho thấy, giá BĐS các tỉnh vùng ven đã tăng lên khá nhiều kể từ khi được DN BĐS và nhà đầu tư “để mắt” tới. So sánh cuối năm 2018 với cùng kỳ 2019, giá đất tại Long An từ 8 - 13 triệu đồng/m2 tăng lên 15 - 25 triệu đồng/m2; Đồng Nai từ 10 - 15 triệu đồng/m2 tăng lên hơn 20 triệu đồng/m2. Khu vực Dĩ An, Thuận An, Bình Dương từ 23 triệu đồng/m2 lên 30 triệu/m2 và hiện tại là 33 - 45 triệu/m2. Đất Bình Phước tăng giá từ 3 - 5 triệu đồng/m2 lên mức 6 - 15 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS vùng ven TP.HCM có xu hướng tĩnh lặng khi giao dịch chững lại, ít dự án mới và khó sang tay. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (Gò Vấp) có lô đất gần 2 tỷ đồng tại huyện Long Thành (Đồng Nai) rao bán đã hơn 2 tháng nay vẫn chưa ra được hàng. Được biết, thời điểm cuối tháng 11/2019, khi thị trường đột nhiên sôi động, nhiều môi giới khuyên anh bán ra nhưng anh chần chừ. Đến sau Tết, anh cần tiền lại không bán được.

Dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của batdongsan.com.vn cho thấy, so với cùng thời điểm năm 2019, lượng sản phẩm chào bán và nhu cầu tìm mua BĐS tại thị trường tỉnh có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, lượng tin rao bán BĐS trong tháng 1/2020 giảm đến gần 19% so với cùng kỳ, trong đó, mức độ quan tâm tìm kiếm sản phẩm nhà đất tại các địa phương như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ đều giảm mạnh, xuống hơn 29,3% so với thời điểm tháng 1/2109.

Xét về từng phân khúc, đất nền dự án là dòng sản phẩm có sức tiêu thụ giảm mạnh nhất, lượng tin rao đất nền trong tháng 1 giảm hơn 40% trong khi nhu cầu tìm kiếm sản phẩm này giảm gần 50%. Đất thổ cư tự do cũng có giao dịch giảm mạnh, lượng tin rao sản phẩm chào bán trên thị trường giảm gần 10% trong khi mức độ quan tâm giảm hơn 35% so với cùng kỳ. Nhà riêng là phân khúc ít chịu tác động nhất nhưng do rơi vào tháng Giêng, nhu cầu giao dịch giảm sút nên lượng sản phẩm rao bán cũng giảm hơn 10%, nhu cầu tìm mua giảm gần 25% so với cùng kỳ.

Nguồn cung sơ cấp ít, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giao dịch nhà đất vùng ven TP.HCM giảm mạnh

Nhiều thách thức

Theo giám đốc một công ty BĐS ở tỉnh Bình Dương, từ sau Tết Nguyên đán 2020, giao dịch trên thị trường BĐS vùng ven TP.HCM chậm đi nhiều, số lượng giao dịch giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2019. “Trong tháng 2/2020 hầu như không có dự án BĐS nào mở bán và ít nhất phải đến cuối tháng 3 thị trường mới có nguồn hàng triển khai trở lại. Không có nguồn hàng, DN không mặn mà làm thị trường, khách hàng cũng không hào hứng giao dịch”, vị này cho biết thêm.

Theo các chuyên gia BĐS, nguyên nhân khiến giao dịch nhà đất vùng ven TP.HCM chững lại trong những tháng đầu năm một phần do sự xuất hiện các dự án “ma” khiến người mua cảnh giác. Ngoài ra, thời điểm này tình hình dịch Covid-19 đang lan rộng nên khách hàng ngại đi lại, tạm gác đầu tư do bệnh dịch. Đồng thời, chính quyền địa phương thực hiện những giải pháp hành chính siết chặt giao dịch, chặt chẽ hơn cấp phép dự án nên thị trường thiếu nguồn cung mới.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc batdongsan.com.vn chi nhánh TP.HCM cho rằng, sau khi xảy ra những vụ việc lừa đảo như Alibaba, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án, xét duyệt nghiêm ngặt hơn nên nguồn cung rao bán giảm mạnh. Nguồn cung giảm, tâm lý thị trường ảm đạm đầu năm; đặc biệt là dịch Covid-19 làm các sàn giao dịch, chủ đầu tư lùi kế hoạch mở bán.

Đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường BĐS khu vực TP.HCM trong năm 2020, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam mong muốn, chính quyền chú trọng hơn đến việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, xử lý dứt điểm các dự án trái phép để cân bằng lại thị trường BĐS; đồng thời, hỗ trợ cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển. Đặc biệt, nên có những cơ chế tốt hơn cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô, bài bản, phục vụ nhu cầu thực hơn là đầu cơ.

“Năm 2020, thị trường BĐS phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Nguồn cung 6 tháng đầu năm 2020, có thể sẽ bị hạn chế bởi những vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được giải quyết rốt ráo. Nhiều dự án BĐS vẫn trong tình trạng chậm được phê duyệt, cấp phép. Doanh nghiệp BĐS và các nhà đầu tư thứ cấp sẽ gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn do chính sách cho vay BĐS bị siết chặt” - Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

 

Bài và ảnh: Thục Vy