Covid-19 - mối lo tại nhiều quốc gia khi ca nhiễm và tử vong tăng cao

Thế giới - Ngày đăng : 16:04, 04/03/2020

(TN&MT) - Sự gia tăng liên tục về số lượng các ca nhiễm Covid-19 cũng như số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng trong vài ngày qua tiếp tục là mối quan tâm trên toàn thế giới. Mặc dù các ca nhiễm và tử vong tại Trung Quốc tiếp tục giảm nhưng lại tăng cao ở các quốc gia khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Iran, thậm chí hàng loạt nước phát hiện các ca nhiễm đầu tiên hoặc nhiễm mới.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của chương trình khẩn cấp của WHO tại cuộc họp giao ban hàng ngày vào ngày 3/3 tại Geneva, Thụy Sĩ

WHO: Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm dần là thật

Theo thống kê tình hình dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế cập nhật lúc 12h46 ngày 4/3, thế giới ghi nhận 93.080 ca nhiễm và 3.202 ca tử vong. Trong đó, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tại Trung Quốc lần lượt là 80.270 và 2.981.

Phát biểu tại cuộc họp báo về Covid-19 vào chiều 3/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đã báo cáo 129 trường hợp, số ca nhiễm thấp nhất kể từ ngày 20/1.

Trước đó, vào ngày 2/3, người đứng đầu WHO thông tin: Số lượng các trường hợp mắc và tử vong vì Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục giảm. Ngày 1/3, Trung Quốc báo cáo 206 trường hợp nhiễm Covid-19 đến WHO - mức thấp nhất kể từ ngày 22/01/2020.

WHO khẳng định số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm dần thời gian qua là "thật". "Chúng tôi đã hỏi về những con số này khi ở Trung Quốc, đồng thời chúng tôi cũng xem xét rất cẩn thận số liệu" - bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của chương trình khẩn cấp của WHO cho biết.

Tuy nhiên, bà Van Kerkhove không đánh giá liệu dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm hay chưa.

Theo ông Tedros, bên ngoài Trung Quốc, 1.848 trường hợp nhiễm được xác nhận trong ngày 3/3 tại 48 quốc gia. 80% những trường hợp đó đến từ chỉ 3 quốc gia là Hàn Quốc, Iran và Ý.

“Covid-19 lan không mạnh bằng cúm”

“Diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay” - ông Tedros nhấn mạnh.

Tính đến sáng 4/3, số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản đã chạm mốc 1.000 với 12 người tử vong. Trong tổng số 1.000 ca nhiễm này, có 706 ca trên du thuyền Diamond Princess đang cách ly tại cảng Yokohama.

Chính quyền Nhật Bản cho biết 2 tuần tới sẽ là thời gian rất quan trọng trong việc chống dịch Covid-19. Hồi tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ trường học và kêu gọi các tổ chức giải trí, thể thao cân nhắc hủy hoặc hoãn các sự kiện lớn.

Ngày 4/3, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo quốc gia này xác nhận thêm 516 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 5.328.

Đây là số ca nhiễm Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) vào cuối năm ngoái.

Theo Yonhap, số ca nhiễm tại Hàn Quốc đã gia tăng nhanh chóng trong những ngày gần đây và ít nhất 34 người tử vong vì Covid-19 trong nước.

Ngày 3/3, Ý ghi nhận thêm 27 người tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên tới 79 – mức tăng cao nhất tại Ý trong những ngày qua.

Với con số trên, số ca tử vong tại Ý cao thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc đại lục, và Iran có số người chết vì Covid-19 cao thứ ba thế giới.

“Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết tính đến cuối ngày 3/3, số ca nhiễm ở nước này là 2.502, tăng gần 500 ca một ngày so với con số 2.036 trong ngày 2/3” – Reuters đưa tin.

Phát biểu trong cuộc họp báo tối 3/3 (theo giờ Việt Nam), ông Tedros cho biết: Chúng tôi hiểu rằng mọi người sợ hãi và hoang mang. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên của con người đối với bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt khi nó là mối đe dọa mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được. Nhưng khi chúng tôi nhận được nhiều dữ liệu hơn, chúng tôi hiểu về loại virus này và căn bệnh mà nó gây ra ngày càng nhiều.

Ông Tedros giải thích: “Covid-19 lan không mạnh bằng cúm nhưng nó gây ra bệnh nặng hơn cúm, và chưa có bất cứ văcxin hay phương pháp chữa trị nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiềm chế được nó”.

“Việc Covid-19 không lây mạnh bằng cúm là do những người không có triệu chứng dường như không phải tác nhân lây truyền virus SARS-CoV-2. Ngược lại, với cúm, người bị nhiễm nhưng chưa bị bệnh là tác nhân lớn lây truyền” – ông Tedros giải thích thêm.

Covid-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Sau đó, dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đến nay, 81 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Mai Đan