Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Thúc đẩy bước ngoặt khai thác sử dụng tài nguyên nước cho miền Tây phát triển bền vững
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:28, 04/03/2020
Kỳ 1: Nhận diện thách thức và bấp cập
Tác hại nghiêm trọng cả về kinh tế và môi trường do hạn hán đang gây ra. Theo thông tin cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) nhận định trong thế kỷ 21 tình hình hạn hán, nước biến dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng gay gắt, khắc nghiệt hơn. Do đó, cần có giải pháp chiến lược để miền Tây thích ứng bền vững chứ không phải là những biện pháp đối phó.
Mực nước tại biển hồ Tonlesap thời điểm tháng 9/2019 thấp hơn từ 2-3m so cùng kỳ năm 2018 (A: KQV) |
Tác động từ thiên nhiên và bên ngoài biên giới
“Phải thấy rõ rằng chế độ lũ đã thay đổi do thay đổi khí hậu, các công trình thượng nguồn Mekong dẫn đến dòng chảy mùa kiệt suy giảm và triều cường dẫn đến xâm nhập mặn” - PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viên nghiên cứu về BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh khi phát biểu tham kiến về giải pháp, trong một hội nghị bàn về điều chỉnh quy hoạch miền Tây, sau đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2016.
Từ hàng chục năm qua, các chuyên gia, nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nước ngọt không còn là nguồn tài nguyên dồi dào ở miền Tây, thậm chí vùng đất kênh rạch chằng chịt này phải đối mặt với tình huống thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt. Ngay bây giờ, cả miền Tây đang phơi mình trong đại hạn, gay gắt, khốc liệt hơn đợt hạn lịch sử 100 năm xuất hiện 1 lần - năm 2016. Tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng không phải là bất ngờ, thậm chí đã được các nhà khoa học, cơ quan chức năng nhận diện ngay từ trong mùa mưa năm ngoái.
Giữa mùa mưa (tháng 9/2019), Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái, lưu ý tổng lượng nước hạ lưu vực Mekong có 82% phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết, 18% lệ thuộc vào hoạt động các đập thủy điện thượng nguồn thuộc địa phận Trung Quốc. Nhưng có dấu hiệu lặp lại hiện tượng El Nino nhẹ, lượng mưa rất thấp, cùng với nhu cầu tích nước vận hành thủy điện, nên ngày trong mùa mưa lưu lượng của dòng Mekong suy kiệt, khiến vùng Đông Bắc Thái Lan và Lào, vùng Tam Giác Vàng có những đoạn sông trơ đáy.
Lưu lượng lũ thượng nguồn Mekong về biển hồ Campuchia (Tonlesap) trễ hơn thường lệ và suy giảm bất thường. Giữa mùa lũ, chuyên gia độc lập về sinh thái Kỷ Quang Vinh, trực tiếp có mặt thị sát Tonlesap, ghi nhận mực nước thấp hơn nhiều năm trước từ 2 - 3m, không gian ngập nước của biển hồ giữ ở diện tích (khoảng 4.700km2) mà không “nở ra” gấp 4 lần như trước.
Thực tế này cũng cho thấy vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế để đạt được mục tiêu khai thác tốt biển hồ Tonlesap, điều tiết lũ cho miền Tây mà Tiến sỹ Lâm Quang Xô (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về thủy lợi - Bộ NN&PTNT) đặt ra từ hơn 3 năm trước tại Hội thảo bàn về giải pháp trữ nước cho miền Tây đã không khả thi.
“Biển hồ có tác dụng điều tiết nước cho ĐBSCL đặc biệt là khi có hiện tượng cực đoan như lũ lụt và hạn hán xảy ra trên sông Mekong nhưng biển hồ có vẻ đang cạn dần nên khả năng điều tiết nước cho vùng ĐBSCL không còn như xưa nữa” - Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh lo lắng.
Các phương tiện giao thông thủy khó lưu thông trong hệ thống kênh rạch đầu nguồn Cửu Long do mực nước cạn ngay trong mùa mưa năm qua |
Không thể cưỡng cầu
Biển hồ Tonlesap giảm lượng nước tích trữ bất thường, lưu lượng nước của dòng Mekong theo 2 chỉ lưu (sông Tiền, sông Hậu) đổ vào miền Tây suy kiệt tới mức kỷ lục. Đỉnh lũ 2019 tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 0,18m – 1,31m, thậm chí thấp hơn mực nước mùa lũ năm 2015 - trước khi xảy ra hạn mặn lịch sử năm 2016.
Đây là hiện tượng cực đoan, phản ánh xu hướng suy kiệt lưu lượng nước đầu nguồn Cửu Long ngày càng gay gắt hơn và nỗi lo của các nhà khoa học gắn bó với miền Tây như Giáo sư Võ Tòng Xuân về nguồn nước ngọt khi phát hiện quy luật lũ có sự thay đổi từ hơn chục năm trước đã diễn ra trước mắt.
Quy luật 4 năm lũ lớn về miền Tây đã đổi chiều 4 năm 2 đại hạn lặp lại. Sự thay đổi này tác động trực tiếp đến sinh kế, tập quán mưu sinh dựa vào nguồn lợi thủy sản tự nhiên của cư dân các địa phương vùng phù sa ngập lũ. Rõ nhất là nghề đóng đáy bắt cá linh trên sông Tiền, sông Hậu của cư dân hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp đang dần mai một. Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Văn Út, ở xóm Miễu Ông, vùng ven thị xã Tân Châu, đã bỏ nghề đóng đáy đánh bắt cá linh mùa lũ trên sông Tiền sau mấy đời cha truyền, con nối.
“Trước kia khi lũ về phải thuê hơn hai chục người làm, mỗi vụ tối thiểu thu 7 tấn cá linh bán tươi, những năm gần đây cá linh hiếm dần. Lũ không về nữa, nhiều hộ đóng đáy trên sông Tiền, sông Hậu cũng dần bỏ nghề, giờ chỉ chài, lưới,… kiếm cá ăn cũng hiếm. Việc trồng lúa, trồng cây mùa khô còn thiếu nước, nói gì đến khai thác nguồn lợi tự nhiên từ lũ. Phải chuyển nghề khác làm ăn thôi!” - ông Út nói trong tâm trạng tiếc nuối.
Các loài thủy sản tự nhiên đã trở nên hiếm hoi trong từng mẻ chài lưới của cư dân đầu nguồn Cửu Long |
Một kết quả điều tra xã hội học, do Trường Đại học Cần Thơ thực hiện, để thăm dò nguyện vọng nông dân trồng lúa trong vùng phù sa ngập lũ (Tứ giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười), bà con cho biết mong lũ hơn là không có lũ. Những cư dân vùng phù sa ngập lũ đã qua thời dày công đắp đê, tôn nền, hình thành các tuyến giao thông kết hợp đê bao khép kín các tiểu vùng thủy lợi “kiểm soát lũ”, “quản lý lũ”, tăng vụ canh tác lúa ngắn ngày, giờ cũng đang chịu cảnh khó khăn về nguồn nước.
Hệ thống đê bao khép kín dày công xây đắp để tăng vụ canh tác lúa vụ 3, tại Tứ giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười không đáp ứng được yêu cầu thủy lợi khi lũ không về. Giữa mùa mưa (tháng 8/2019) lưu lượng nước trên sông Tiền, sông Hậu suy giảm tới mức không đủ cung ứng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại vùng Tứ Giác Long Xuyên - một trong những vùng trũng từng là “túi nước” đầu nguồn.
Thậm chí, Tứ Giác Long Xuyên còn bị mặn biển Tây từ hướng đầm Đông Hồ (TP. Hà Tiên) tràn vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên, xâm lấn sâu vô nội đồng từ 10 - 15km, gây ảnh hưởng tới hàng ngàn ha đất canh tác nông nghiệp (thuộc địa bàn huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, gần giáp tỉnh An Giang).
Một cánh đồng trong vùng phù sa và ngập lũ tại tỉnh An Giang trong mùa hạn năm nay |
Hệ thống đê bao hiệu quả thấp
Thực tế đang phản ánh hệ thống thủy lợi tại vùng phù sa ngập lũ (bao gồm tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên - Đồng Tháp Mười), được xây dựng theo yêu cầu khống chế ngập úng để tăng vụ canh tác lúa ngắn ngày, chưa được chú trọng đến yêu cầu trữ nước để điều tiết sản xuất cho tình huống hạn hán, thiếu nước ngọt ngày càng gia tăng và gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường. Các nghiên cứu khoa học về hiệu quả sản xuất lúa trong vùng đê bao khép kín trong khoảng thời gian 20 năm gần đây cũng đã nhận ra việc canh tác lúa hiệu quả kinh tế không cao.
Ghi nhận kết quả điều tra nghiên cứu tổng hợp của các nhà khoa học (Trường Đại học Cần Thơ) cho thấy giữa thời điểm 5 năm (2006 - 2010) nông dân tăng đầu tư chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 34% nhưng năng suất lúa chỉ tăng 26%, hiệu quả đầu tư giảm. Lý do nông dân ngày càng tăng bón phân, xịt thuốc để duy trì năng suất lúa là vì: 1ha ruộng lúa trong vùng đê bao triệt để 1 năm mất đi khoảng 2 tấn chất hữu cơ, 150kg đạm, 110kg lân tổng số, 4kg kali, 210kg canxi và 6kg natri. Một trong những nguyên nhân chính do ở những vùng đê bao mặc dù quy hoạch 8 vụ/3 năm để sau mỗi 2 năm có 1 năm xả lũ nhưng thực tế nông dân vẫn duy trì 3 vụ/năm liên tục, làm cho độ phì nhiêu đất giảm xuống sau thời gian thâm canh lúa.
Đáng lưu ý, những bất cập về khả năng đón lũ, nhận phù sa và lưu trữ nước tại các tiểu vùng thủy lợi khép kín ở đầu nguồn này có ảnh hưởng trực tiếp đến yêu cầu điều tiết nước cho cả miền Tây. “Việc xây dựng hệ thống đê bao để cải tạo đất trồng lúa 3 vụ tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thời gian qua đã làm giảm khả năng tích trữ mất khoảng trên 16 tỉ khối nước trong mùa lũ để cung ứng cho toàn vùng - đặc biệt là hạ nguồn ĐBSCL trong mùa kiệt” - PGS. Gerado van Halsema (Chuyên gia Hà Lan) khẳng định tại một hội thảo khoa học tham vấn giải pháp về nguồn nước ở miền Tây.