Cẩn trọng với không khí lạnh gây hiện tượng cực đoan thời điểm giao mùa

Tin tức - Ngày đăng : 18:27, 03/03/2020

(TN&MT) - Trong tháng 3/2020 sẽ còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh, nhưng cường độ ngắn và không có khả năng gây rét đậm. Tuy nhiên, lưu ý các đợt không khí lạnh xuống nước ta trong giai đoạn giao mùa thường gây ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục KTTV), chúng ta vừa trải qua 1 tuần nắng ấm, cảm giác như là những ngày rét mướt đã hết rồi. Mặc dù vậy, trong đêm qua (2/3) và hôm nay (3/3) đã có một đợt gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi.

“Thời điểm đêm mùng 3 sang ngày mùng 4/3 mới là thời điểm không khí lạnh dồn xuống mạnh nhất, kết hợp với một vùng hội tụ gió trên mực 5000m nó sẽ gây mưa rào và dông diện rộng ở Bắc Bộ, có nơi mưa vừa, mưa to và dông, cần đề phòng mưa đá và gió giật mạnh”, ông Lâm nói.

Không khí lạnh gây mưa lớn. Ảnh minh họa

Ông Lâm cho biết thêm, từ nay đến hết tháng 3/2020 còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh và sang tháng 4/2020 có khoảng 1-2 đợt không khí lạnh nữa nhưng cường độ ngắn và không có khả năng gây rét đậm.

“Chúng tôi lưu ý là các đợt không khí lạnh xuống nước ta trong giai đoạn giao mùa thường hay gây ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh”, ông Lâm cảnh báo.

Đối với vấn đề người dân đang quan tâm là hạn mặn ở ĐBSCL, ông Lâm thông tin, thời gian qua, tình hình xâm nhập mặn sâu đã diễn ra ở ĐBSCL ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong tháng 3/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL vẫn ở mức thấp, do đó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt.

“Đặc biệt là thời kỳ từ 06-15/3, xâm nhập mặn ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn cao điểm giữa tháng 02/2020 và cùng kỳ tháng 3 năm 2016; chiều sâu ranh mặn 4g/l ở các sông Vàm Cỏ từ 90-110km, cửa sông Cửu Long và sông Cái Lớn từ 60-80km, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt”, ông Lâm lưu ý.

Đến cuối tháng 3, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần; xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó xâm nhập mặn mới có khả năng giảm dần trên toàn miền.

Trước diễn biến tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, chuyên gia KTTV khuyến cáo, trong thời kỳ xâm nhập mặn cao điểm, các địa phương cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Tuyết Chinh