Cần một định hướng chiến lược cho thị trường tài nguyên
Khoáng sản - Ngày đăng : 15:38, 03/03/2020
Cần lựa chọn hướng phát triển kinh tế
Đến nay, hệ thống chính sách, các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã cơ bản hoàn thiện, giúp ngành khai khoáng phát triển mạnh mẽ. Nguồn lực khoáng sản cung cấp nguyên liệu cho các ngành kinh tế khác phát triển như than, dầu khí, các loại đá phục vụ ngành xây dựng, đá vôi làm nguyên liệu xi măng và các loại khoáng sản khác.
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, ngành địa chất đã xác định trên 5.000 mỏ quặng và trên 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó, có trên 45 loại khoáng sản đang được khai thác chủ yếu với trên 500 giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, trên 3.000 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, Trung ương.
Hiện, còn khoảng 30% diện tích chưa được lập bản đồ đánh giá khoáng sản. Ngoài ra, công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản mới chỉ tập trung ở độ sâu 100m, những khoáng sản ẩn sâu chưa tìm kiếm đánh giá được nhiều.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, khoáng sản là tài nguyên hữu hạn, không thể tái tạo, vì vậy, trong bài toán kinh tế thị trường, cần cân nhắc loại nào có tính chất chiến lược cần thiết khai thác sử dụng; loại nào nước khác bán rẻ hơn có thể mua; loại nào quan trọng, đắt cũng không nên bán. Cần phải tính toán một cách toàn diện giữa cung và cầu, giữa lợi ích ngắn và dài hạn đối với kinh tế - xã hội của quốc gia.
Hệ thống chính sách, các quy định pháp luật về tài nguyên khoáng sản giúp ngành khai khoáng phát triển mạnh mẽ |
Ông Chinh đưa ra ví dụ cụ thể về thị trường đá vôi. “Nguyên liệu làm đường, sản xuất xi măng, thậm chí là du lịch hang động đều từ đá vôi. Vậy trong 3 thị trường này, chúng ta nên chọn thị trường nào để phát triển hiệu quả?” Ông Chinh cho rằng, phát triển du lịch là hướng phát triển bền vững nhất, cũng là cơ hội để biến tiềm năng thành động năng.
Hướng nào để bền vững?
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững. Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Thế Chinh hiến kế, bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, việc dự báo thị trường tài nguyên trong dài hạn cần phải thực hiện song hành.
Trước hết, Bộ TN&MT cần tập trung thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên khoáng sản, nước, biển, đất, năng lượng tái tạo; phân loại, hoạch định chiến lược, lập quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững các loại tài nguyên chiến lược… để đưa ra kế hoạch quản lý, khai thác bền vững. Đặc biệt, cần dự báo thị trường tài nguyên trong dài hạn để có đối sách hợp lý trong khai thác, chế biến, sử dụng hay dự trữ và tái đầu tư cho phát triển.
Bên cạnh đó, định hướng nhập khẩu các loại khoáng sản; không xuất khẩu khoáng sản thô mà tập trung chế biến sâu; tái cơ cấu ngành công nghiệp khoáng sản. “Cần phải có dự trữ tài nguyên khoáng sản và tái đầu tư cho phát triển. Tiền khai thác, tiền thuế thu được từ khai thác tài nguyên phải được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục để phát triển đất nước, chứ không nên đầu tư cho tiêu dùng” - ông Chinh nhận định.
Đồng quan điểm, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh các cơ chế khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ trong khai thác, chế biến, cần có chế tài đủ mạnh, buộc người khai thác phải tối đa hóa hiệu quả và gia tăng giá trị khoáng sản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, trong đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý và khai thác trong dài hạn. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng, bảo đảm hài hòa lợi ích của ba chủ thể là: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.