Dừng lại trước khi quá muộn
Môi trường - Ngày đăng : 15:35, 03/03/2020
Từ những “phần nổi”…
Công luận đã từng lên tiếng phản ánh gay gắt hành động tàn nhẫn của con người đối với động vật. Sự tàn phá và nhẫn tâm của con người đã làm cạn kiệt dần nguồn động vật hoang dã trong thiên nhiên, đẩy những loài thú quý hiếm đứng bên bờ tuyệt chủng.
Chưa kể hàng năm trên thế giới, ngành công nghiệp thời trang đã khiến hàng triệu loài động vật hoang dã bị giết hại để cung cấp da, lông, sừng... Cái chết thương tâm của chúng có thể chỉ bị đánh đổi để tạo nên những món đồ phù phiếm, kiêu sa có thể sẽ nằm lãng quên hàng thập kỷ trong tủ quần áo bệ vệ của những quý bà sành mốt chỉ sau một vài lần sử dụng.
|
Theo ước tính, chi phí và năng lượng để sản xuất một chiếc áo lông thú thường tốn kém hơn. Quá trình làm khô và phơi nắng tiêu thụ một lượng năng lượng đáng kể và thải ra nhiều chất hóa học vào môi trường. Trong một thập kỷ qua, lợi nhuận thu về được từ ngành công nghiệp này là khoảng 11 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, hiện, chỉ còn khoảng trên dưới 400 loài động vật hoang dã bị đe dọa và cần được bảo vệ. Trong đó, chỉ còn khoảng 30 con hổ, 100 con voi, còn lại gấu, tê giác và các động vật quý hiếm khác.
Những con số thống kê của các cơ quan chức năng năm hơn thập kỳ trở lại đây khiến chúng ta phải giật mình. Nhu cầu hằng năm về động thực vật hoang dã cho mục đích ẩm thực, dược liệu, sinh vật cảnh và xuất khẩu dao động trong khoảng từ 3.700 - 4.500 tấn, chưa kể đến hàng chục vạn cá thể các loài chim, côn trùng, không thể tính toán thành trọng lượng được.
Những vụ việc được phát hiện, những cá nhân bị xử lý, cũng chỉ là phần “nổi của tảng băng chìm” trong thế giới ngầm buôn bán trái phép động vật hoang dã.
…đến những giằng xé bảo tồn
Nhiều người cho rằng, sự tuyệt chủng của một loài nào đó có vẻ như là một mất mát nhỏ, không ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, nhưng thực tế lại không như vậy.
Sự tồn tại của các loài luôn có mối liên kết với nhau, loài người và các loài khác cùng ở trong một hệ thống tổng thể gọi là sinh thái, chúng ta càng loại bỏ nhiều bộ phận khỏi một hệ thống, nó càng trở nên sụp đổ nhanh chóng. Đây không phải là một lý thuyết khoa học xa xôi không thực tiễn nữa, mà tác động xấu từ mất cân bằng sinh thái đã xảy ra và có thể thấy rất rõ ràng, chẳng qua là chúng ta đã phớt lờ hoặc không muốn nhìn thấy điều đó.
Tiêu thụ động vật hoang dã sẽ kích thích nguồn cầu và tăng nguồn cung. Những con người tù tội vì săn bắt, vận chuyển và mua bán trái phép vẫn liên tục xảy ra. Vì miếng ăn của mình mà một phần gây ra cảnh tù tội cho người khác, hoặc tăng nguy cơ khiến người khác bị mất đi sinh mạng, xét về góc độ nhân văn, điều này liệu có khiến chúng ta suy nghĩ và dừng lại việc ăn và tiêu thụ? Những câu chuyện thương tâm và về việc “ăn của rừng rưng rưng nước mắt là những bài học lớn để chúng ta nhìn lại thói quen sử dụng động vật hoang dã của mỗi người.
Tại kỳ họp 68 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, các đại biểu nhất trí chọn ngày ngày 3/3 hằng năm, ngày thông qua Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã (CITES), là Ngày Động vật hoang dã thế giới. Đại hội đồng tái khẳng định giá trị nội tại của động vật hoang dã và những đóng góp khác nhau,bao gồm của cả sinh thái, di truyền, xã hội, kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, giải trí và thẩm my trong sự phát triển bền vững và nâng cao sức khỏe con người.
Cuộc chiến giữa người săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã và lực lượng chức năng vẫn diễn ra khi chúng ta tiếp tục tiêu thụ động vật hoang dã. Cuộc chiến đẩy hai bên rơi vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình truy đuổi và gây nguy hiểm cho cả người dân. Bao cán bộ kiểm lâm bị thương và thậm chí, thiệt mạng hàng năm vì những kẻ săn bắn trộm..
Liệu khi biết được những sự thật này, chúng ta có thay đổi được suy nghĩ bảo vệ động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng là trách nhiệm của chính mình; những hậu họa nhãn tiền vẫn xảy ra hàng năm, có làm cho chúng ta quyết định nói không với thịt ĐVHD, nói không với “tội ác từ việc lựa chọn ăn uống, tiêu dùng của chính bản thân mình? .
Năm 2020, thêm một Ngày Động vật hoang dã thế giới nữa diễn ra, câu hỏi “làm gì để chúng ta không còn ăn thịt động vật hoang dã?” vẫn chưa thấy được một hồi kết rõ ràng.