Làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán các dự án PPP
Kinh tế - Ngày đăng : 11:58, 03/03/2020
Mục đích của hội thảo cũng nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong công tác quản lý và thực hiện các dự án PPP góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả các dự án PPP, phát huy tốt nhất giá trị và lợi ích của các dự án PPP theo nguyên tắc Chương trình Nghị sự Liên Hiệp quốc 2030 vì sự phát triển bền vững vì con người.
KTNN tiếp tục đi sâu vào kiểm toán dự án PPP
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Trong những năm vừa qua, hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đầu tư theo phương thức PPP đã và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Vốn huy động từ khu vực tư nhân đã góp phần cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng của đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương.
GS, TS. Đoàn Xuân Tiên cho rằng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức dự án PPP của Đảng và Nhà nước trong những năm qua là hết sức đúng đắn và cần thiết.
Cụ thể, các dự án PPP đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân thông qua việc cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, đô thị.
Các dự án PPP cũng đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách nhà nước trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp.
GS, TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo |
Đồng thời, các dự án PPP đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó có kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (như các dự án BT, BOT…)” - GS, TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Cần ban hành Luật PPP, trong đó nhấn mạnh vai trò của KTNN
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn 300 dự án PPP đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam, tập trung chủ yếu là hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng và hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, năng lượng điện và một số lĩnh vực khác. Mặc dù các dự án PPP đã có đóng góp đáng kể trong việc phát triển hạ tầng, nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến việc thực hiện các dự án PPP gặp nhiều trở ngại và mô hình PPP không được nhìn nhận một cách khách quan từ nhiều phía.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Bình cho rằng cần thiết phải ban hành Luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP trong đó nhấn mạnh, phát huy vai trò của KTNN.
Theo đó, cần tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị giữa các cơ quan, ban ngành liên quan để xây dựng nên một quy hoạch tổng thể về các dự án PPP ở cả Trung ương và địa phương, tăng cường pháp lý, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí. Các hội thảo, hội nghị này cần có sự tham gia, khuyến nghị của KTNN.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội thảo |
Thông qua thảo luận tổ, thảo luận Hội trường, cần làm rõ vai trò của KTNN đối với việc thực hiện các dự án PPP; kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định để kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách hỗ trợ như hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng dự thảo luật cần bổ sung, khẳng định: Với chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước có quyền: Quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm đối với dụ án PPP và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức.
Quang cảnh hội thảo |
“Kiểm toán nhà nước cũng cần khắc phục những hạn chế trong kiểm toán để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước, tạo được niềm tin, uy tín và lòng tin của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán” – ông Nguyễn Ngọc Phương đề nghị.
Tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề chủ yếu như: Làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, vận hành các dự án PPP hiện nay và những ảnh hưởng của tình trạng thiếu minh bạch đến ngân sách quốc gia và kỷ luật, kỷ cương của nền tài chính quốc gia; tập trung làm rõ vai trò của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán các dự án PPP, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia; làm rõ các vấn đề lý luận về cơ sở pháp lý của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán các dự án PPP, trong đó làm rõ đối tượng của KTNN; chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về quản lý dự án PPP và vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong lĩnh vực kiểm toán dự án PPP; tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN và các cơ quan quản lý nhà nước. |