Lộ dần những điểm yếu

Xã hội - Ngày đăng : 10:03, 03/03/2020

(TN&MT) - Dù kinh tế phát triển, dù được đánh giá có nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng chưa bao giờ cuộc sống của người dân đô thị lại đứng trước nhiều bất an như bây giờ.

Nói vậy, là bởi những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển xây dựng các thành phố sẽ kéo theo những mối đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người. Thực tế của người dân suốt hơn hai tháng qua, khi dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, thậm chí, đe dọa sự phát triển chung của cả nước.

Bây giờ, hình ảnh những người dân ra đường phải trang bị khẩu trang; ra vào thang máy phải rửa tay sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người… dường như không còn là chuyện lạ. Tất cả với mục tiêu chống dịch, dập dịch bệnh.

Nhưng từ những diễn biến đó, mới thấy hiện ra rất rõ những điểm yếu cố hữu, tiềm ẩn mối lo chung ở các đô thị.

 

Trước hết, đó là tình trạng các đô thị chỉ tập trung vào phục vụ thương mại mà không hướng tới việc xây dựng một thành phố đa chức năng, thân thiện với cuộc sống con người đang để lại những hệ quả không tốt. Một thành phố bền vững phải có trật tự kỷ cương xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao. Nhưng bây giờ, nhìn trong sự vận động quay cuồng của các đô thị lớn, sẽ thấy những mối nguy tiềm ẩn, ngay sát mình. Ngay chính mỗi người cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, trở nên chai sạn, thậm chí là vô cảm, đó là nguy cơ, là hiểm họa…

Khi môi trường sống bị xuống cấp nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn; khi các cộng đồng dân cư phải rời bỏ nơi ở, nơi tái định cư vì quá trình hiện đại hóa và những dự án lớn và khi con người bị cách ly sống trong các khu ổ chuột hay nghèo khổ cùng cực, trong khi thành phố ngày càng sung túc hơn - chứng tỏ rằng, có gì đó không đúng đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Và trong sự giằng xé ấy, những hệ lụy không mong muốn sẽ nảy sinh trong đô thị.

Có thể nói, đô thị Việt Nam trong mấy thập kỷ vừa qua, như một cú “rùng mình” của nhu cầu cơ bản nhất: Kiếm sống. Đô thị hóa, theo vậy trở thành một cuộc làm ăn lớn, cuồng nhiệt với những con số GDP công nghiệp, GDP dịch vụ, GDP đầu người... Không chỉ với các đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương… mà còn len lỏi, xâm lấn đến các đô thị khác như: Sơn La, Điện Biên, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt… tất cả, quay quả kiến tạo và phân phối các cơ hội đó nhưng lại theo một cách khác: Cả nước râm ran dự án, khắp nơi nháo nhác kiếm nhà mặt tiền. Rừng rừng các ô phố mọc nhà chọc trời. Dáng vẻ đô thị được tạo dựng với đủ kiểu vuông tròn của bê tông hết Tây rồi La Mã, Trung Quốc. Đại công trường chỉnh trang và đô thị hóa “phân lô” không chỉ đất đai mà cũng “phân lô” cả cơ hội kiếm sống lẫn “kiếm ăn”.

Khắp nơi bùng nổ đầu tư từ khu công nghiệp đến căn hộ cao cấp, bùng nổ xây dựng cầu đường, cảng biển. Bùng nổ làn sóng trở thành “đại gia”. Bùng nổ trào lưu “đổi đất lấy hạ tầng”, bùng nổ đền bù giải tỏa, bùng nổ ngân sách địa phương. Cũng bùng nổ tham nhũng, khiếu kiện, tội phạm, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, quá tải bệnh viện…

Chính trong sự xoay vần ấy, những giá trị của một đô thị đáng sống đã bị bỏ qua. Vì thế, cho dù sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam có tốc độ đột phá, nhưng, cũng mang theo nó nhịp điệu của bất an. Mà hiển hiện, trong dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, những vết nứt khủng hoảng đô thị ngày càng lộ rõ.

Ngọc Lý