Bài học ứng phó với dịch Covid-19 nhìn từ Vĩnh Phúc

Xã hội - Ngày đăng : 19:05, 02/03/2020

(TN&MT) - Đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 khi toàn hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc, tạo sự thống nhất, khoa học trong tổ chức triển khai tổng thể, toàn diện, đồng bộ những biện pháp ở nhiều cấp, nhiều tuyến, lĩnh vực công tác để phòng chống dịch.

Không có thêm trường hợp mắc mới sau 20 ngày khoanh vùng ở Sơn Lôi

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, qua thời gian thực hiện nhiệm vụ tại các chốt, đánh giá chung các lực lượng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bước đầu góp phần làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; tạo được niềm tin với người dân về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp các ngành.

Trong đó, Công an tỉnh luôn chủ động trong các mặt công tác, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát chủ động trao đổi các thông tin liên quan đến diễn biến tình hình để có các đề xuất kịp thời lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các biện pháp, quyết sách quan trọng để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Kiểm tra thân nhiệt người dân tại Chốt kiểm tra dịch bệnh Covid-19 ở xã Sơn Lôi (Bình Xuyên). Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Đặc biệt, công tác khoanh vùng, kiểm soát cách ly tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên đã có sự chỉ đạo thống nhất, tập trung thực hiện đảm bảo các yêu cầu chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh; công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý y tế phòng chống dịch thực hiện theo đúng quy định, được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ.

“Đến nay, qua 20 ngày triển khai thực hiện việc khoanh vùng, kiểm soát cách ly, tình hình tại địa bàn xã Sơn Lôi cơ bản ổn định, không có thêm trường hợp nào mắc mới, không phát sinh các tình huống phức tạp; các đối tượng cách ly trọng điểm, nguy cơ cao đều an toàn, không bị lây lan dịch bệnh”, Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn ra khá nhanh, diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, vấn đề xã hội. Mặc dù có sự chủ động vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhưng công tác trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin có lúc còn bị hạn chế, lúng túng khi triển khai thực tế ở cơ sở, nhất là trong giai đoạn đầu.

Trong khi đó, việc xác định vùng dịch ở nước ngoài còn chậm, không cập nhật kịp thời thực tiễn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi tuyên truyền, vận động, giải thích hoặc áp dụng các biện pháp cứng rắn với các đối tượng cần thăm khám, tư vấn, cách ly y tế, nhất là đối với người nước ngoài.

Một số trường hợp nằm trong diện cần cách ly nhưng lo ngại tâm lý bị kỳ thị hoặc không muốn ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt nên không tự giác trình báo, thăm khám tại các cơ sở khám chữa bệnh. Một số doanh nghiệp ngại cung cấp thông tin liên quan đến người nước ngoài, người lao động tiếp xúc với bệnh nhân nCoV do lo ngại thông tin có thể ảnh hưởng đến tâm lý người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Trang thiết bị phòng hộ y tế, điều kiện đảm bảo cho cán bộ chiến sỹ, lực lượng Công an đã được huy động cơ bản. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của dịch bệnh còn khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm cho lực lượng trực tiếp đi rà soát, quản lý tại địa bàn. Các điều kiện sinh hoạt tại các chốt kiểm soát trong xã Sơn Lôi còn hạn chế.

Cần quyết định “sớm hơn, cao hơn” biện pháp chống dịch

Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trong phòng chống dịch Covid-19 cần chủ động nắm chắc thông tin, nhận định diễn biến để quyết định các biện pháp chống dịch ở mức sớm hơn, cao hơn so với quy định; có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tạo sự thống nhất, khoa học trong tổ chức triển khai tổng thể, toàn diện, đồng bộ những biện pháp ở nhiều cấp, nhiều tuyến, lĩnh vực công tác để phòng chống dịch. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ “Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ, nhân lực tại chỗ”.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác thông tin truyền thông để có được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, người nước ngoài trong công tác phòng chống dịch. Kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, thuyết phục các cơ chế pháp luật cho phép để buộc các thành phần cần phải cách ly thực hiện tự giác hoặc bắt buộc tự cách ly.

Theo Ban Chỉ đạo, phải chủ động nắm chắc diễn biến, thực trạng tình hình, con người, địa bàn để bố trí lực lượng phù hợp, khép kín khu vực cách ly, khu vực khanh vùng. Xác định được các tình huống có thể xảy ra để chủ động phương án giải quyết.

Đảm bảo tinh thần và ý thức tự giác cao của cán bộ chiến sĩ, cán bộ, nhân viên của các cơ quan, đơn vị khi được huy động tham gia dập dịch, coi chống dịch như chống giặc. Bảo đảm kinh phí và các điều kiện công tác (trang thiết bị y tế, bảo hộ…), sinh hoạt, động viên kịp thời tâm lý, tư tưởng để lực lượng trực tiếp tham gia khoanh vùng dập dịch yên tâm công tác.

“Cần tổ chức công tác phòng chống dịch kết hợp chặt chẽ với giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lơ là trong thực hiện nhiệm vụ, có biện pháp xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm quy định công tác phòng chống dịch”, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc nêu kinh nghiệm.

Tuyết Chinh