Liên hợp quốc sẽ tài trợ 15 triệu USD cho các nước dễ bị tổn thương chống sự lây lan của dịch Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 13:19, 02/03/2020

(TN&MT) - Ngày 1/3, ông Mark Lowcock, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ cho biết LHQ sẽ trích 15 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF) để hỗ trợ cho nỗ lực ngăn chặn virus Covid-19 trên toàn cầu.
  • LHQ sẽ tài trợ 15 triệu USD cho các nước dễ bị tổn thương chống sự lây lan của dịch Covid-19

  • Thông báo được đưa ra khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nâng đánh giá nguy cơ lây lan và hệ quả của Covid-19 lên mức “rất cao” – mức cao nhất đối với toàn cầu. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết vẫn có cơ hội ngăn chặn Covid-19 nếu chuỗi lây lan của dịch bệnh này bị phá vỡ.

    Các ca nhiễm bệnh Covid-19 gia tăng ở Ý, Cộng hòa Iran và Hàn Quốc đang là mối quan tâm lớn trên toàn cầu. Trong đó, các ca nhiễm liên quan với Iran được phát hiện ở Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman. Trong khi đó, các trường hợp nhiễm liên quan với Ý được phát hiện ở Algeria, Áo, Croatia, Đức, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

    Khoản tài trợ của LHQ đã được công bố tới WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Cụ thể, khoản tài trợ này được dành cho các hoạt động thiết yếu bao gồm theo dõi sự lây lan của virus, phát hiện các ca nhiễm và hoạt động của các phòng thí nghiệm quốc gia.

    WHO đã kêu gọi 675 triệu USD để tài trợ cho cuộc chiến chống lại virus corona. Các quốc gia có thể ngăn chặn sự lây lan của virus nếu thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để phát hiện sớm các ca nhiễm, cách ly, chăm sóc bệnh nhân và theo dõi các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân.

    Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cho biết: “Chúng tôi chưa thấy bằng chứng cho thấy virus đang lây lan tự do”.

    “Tuy nhiên, các quốc gia cần triển khai hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để phát hiện sớm các trường hợp, cách ly và chăm sóc bệnh nhân cũng như theo dõi các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân. Chúng ta phải hành động ngay để ngăn chặn virus gây nguy hiểm đến tính mạng” – ông Mark Lowcock nhấn mạnh.

    Theo ông Mark Lowcock, khoản tài trợ sẽ giúp các quốc gia có hệ thống y tế yếu tăng cường các hoạt động phát hiện và ứng phó, đồng thời góp phần cứu sống hàng triệu người dễ bị tổn thương.

    Đây là một thời điểm quan trọng đối với dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn Covid-19 bằng cách tăng cường giám sát, tiến hành phát hiện ổ dịch kỹ lưỡng để xác định các trường hợp tiếp xúc và áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn sự lây lan thêm.

    Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự lây lan tiềm ẩn của virus sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi. Các quỹ này sẽ giúp hỗ trợ các quốc gia trên sẵn sàng phát hiện và cách ly các trường hợp, bảo vệ nhân viên y tế và điều trị cho bệnh nhân. Điều này sẽ giúp chúng ta cứu sống và đẩy lùi virus”.

    UNICEF đang dẫn đầu hành động phòng ngừa tại các cộng đồng trên khắp các quốc gia bị ảnh hưởng bằng các biện pháp truyền thông rủi ro, cung cấp bộ dụng cụ y tế và vệ sinh cho các trường học và phòng khám y tế, cũng như giám sát tác động của dịch bệnh để hỗ trợ liên tục các dịch vụ chăm sóc, giáo dục và xã hội.

    “Tại thời điểm quyết định này, phải thực hiện mọi nỗ lực để đẩy lùi sự bùng phát. Các quỹ quan trọng này sẽ hỗ trợ nỗ lực toàn cầu của chúng tôi để củng cố các hệ thống y tế yếu hơn và thông báo cho trẻ em, phụ nữ mang thai và gia đình về cách tự bảo vệ mình” - bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF khẳng định.

    Kể từ khi được ra mắt vào năm 2006, CERF đã cung cấp hơn 6 tỷ USD cho hơn 100 quốc gia và giúp đỡ hàng trăm triệu người.

Mai Đan