Thừa Thiên Huế: Thiếu hụt lao động, nhiều tàu thuyền “khó” ra khơi
Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 02/03/2020
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có khoảng 500 tàu đánh bắt xa bờ; trong đó có 40 tàu đóng đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ với 36 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ thép. Hầu hết các tàu đều có công suất từ 90 CV đến 1.000 CV. Cùng với nuôi trồng thủy sản, nghề đi biển lâu nay đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động biển.
Tàu thuyền ở Thừa Thiên Huế khó ra khơi vì thiếu hụt nguồn lao động |
Tuy nhiên, nhiều ngư dân địa phương chia sẻ rằng, gần đây nghề đánh bắt xa bờ lâm vào cảnh khó khăn khi nguồn lợi hải sản ngày càng giảm dần. Nếu như trước đây, mỗi chuyến biển có thể mang về hàng chục tấn hải sản thì nay chỉ chừng vài tấn đến chục tấn. Giá cả sản phẩm cũng giảm đáng kể so với trước khiến hiệu quả đánh bắt khá thấp.
“Nghề biển trong những năm gần đây rất khó khăn. Sản lượng khai thác thấp, giá cả lại giảm. Trước đây, tàu tôi thu mua mỗi chuyến hơn 30 tấn, giờ đây còn hơn chục tấn, cao lắm cũng chỉ 20 tấn. Các loại cá có giá trị kinh tế như thu, chủa, cam, cờ... ngày càng ít dần nên hiệu quả đánh bắt không cao, nhiều chủ tàu đã nghỉ tạm thời”, anh Trần Văn Hòa, một chủ tàu hậu cần ở tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang thổ lộ.
Ngư dân Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, Phú Vang) cho hay, lúc trước mỗi chuyến biển 5 - 7 ngày thì trừ mọi chi phí xăng dầu, đá ướp hải sản, lương thực… chừng 50 - 60 triệu đồng, tàu ông Chiến cũng như nhiều tàu lãi cả trăm đến vài trăm triệu đồng.
“Bây giờ, mỗi chuyến biển của các tàu chỉ hòa vốn, hoặc lãi không nhiều. Mỗi thuyền viên được trả công chỉ vài triệu đồng/chuyến nên họ không còn mặn mà với nghề, chuyển sang các nghề khác để mưu sinh...”, ông Chiến nói.
Việc đánh bắt hải sản không hiệu quả vì giá thành thấp, sản lượng cũng ngày càng giảm |
Được biết trước đây, mỗi tàu có đến 3 - 4 chuyến chuyến biển/tháng thì nay chỉ còn 1 - 2 chuyến, thậm chí không có chuyến nào. Với những tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ thì việc thu nhập bấp bênh, nằm bờ kéo dài đang lâm vào cảnh khó khăn vì không có điều kiện trả nợ ngân hàng theo đúng kỳ hạn.
Trong khi đó, những ngư dân đánh bắt gần bờ cũng “than trời” bởi nạn đánh bắt bằng mìn, giã cào trái phép khiến nguồn lợi thủy hải sản cạn kiệt. Việc đóng tàu xa bờ trở nên khó khăn vì không đủ vốn.
“Vài năm trước, mỗi chuyến biển mang lại thu nhập 5 - 10 triệu đồng. Nhưng nay mỗi chuyến chỉ thu nhập 1- 3 triệu đồng, có chuyến chỉ đủ dầu. Nhiều người đã chuyển sang phụ thợ hồ, thậm chí vào Sài Gòn làm ăn để trang trải cuộc sống, kiếm tiền nuôi con ăn học”, ông Trần Tuấn (thị trấn Thuận An) tâm sự thêm.
Không chỉ ngư dân Phú Vang, nhiều ngư dân miền biển khác tại huyện Phú Lộc cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhiều tàu thuyền đang “nằm bờ”, kinh tế khó khăn hơn.
Cuộc sống người dân miền biển trở nên khó khăn |
Theo ngành NN& PTNT huyện Phú Vang, qua kiểm tra, đánh giá thực tế, sản lượng đánh bắt xa bờ trên địa bàn huyện năm nay ước giảm 10% so với nhiều năm trước. Không chỉ sản lượng giảm mà giá hải sản năm nay cũng giảm từ 30 - 40% so với năm trước.
Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho rằng, ngoài giá cả không ổn định, nhiều chủ tàu chưa mạnh dạn vươn khơi, đánh bắt dài ngày (trong khi tàu công suất lớn, đảm bảo các điều kiện cần thiết để đánh bắt xa bờ) nên sản lượng, hiệu quả mỗi chuyến biển còn thấp. Sản lượng khai thác thủy hải sản năm vừa qua chỉ hơn 41.000 tấn (so với năm 2018 đạt hơn 51.300 tấn); trong đó khai thác biển năm 2019 ước khoảng 33.000 tấn, trong khi năm 2018 đạt 39.000 tấn.
“Thu nhập của bạn thuyền thấp, không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều người đành chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Thiếu lao động là nguyên nhân chính khiến khoảng 30% tàu không thể vươn khơi, trong đó 10% tàu nằm bờ thường xuyên, kéo dài...”, ông Giang thông tin.