Điện Biên: Quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại

Môi trường - Ngày đăng : 18:30, 28/02/2020

(TN&MT) - Rác thải y tế luôn là vấn đề đáng lo ngại của các bênh viện và cộng đồng. Chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sơ y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường và nước thải y tế. Nếu không được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.

Chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Điện Biên được phân loại tại nguồn.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải có thành phần như: máu, dịch tễ cơ thể người, chất bài tiết, hay các dụng cụ như kim tiêm, vật sắc nhọn, và các chất phóng xạ ở dạng rắn, lỏng...ngoài việc gây thương tích cho người tiếp xúc, còn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, nếu không được xử lý đúng cách như chôn lấp hoặc đốt cháy đúng quy định và tiêu chuẩn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điên Biên có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, 130/130 xã/phường/thị trấn có trạm y tế, 125 cơ sơ y tế tư nhân, theo ước tính, trung bình mỗi ngày có khoảng 500-700kg rác thải y tế nguy hại và khoảng 1.500m3 chất thải lỏng nguy hạị được thải ra từ các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa trong khu vực…

Bệnh viên đa khoa tỉnh Điện Biên áp dụng công nghệ lò hấp ở nhiệt độ cao kết hợp với cắt nghiền chất thải y tế nguy hại.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên Môi trường, Bác sỹ Phạm Văn Mẫn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết: Mỗi ngày Bệnh viện đa khoa tỉnh có hàng trăm lượt người đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện, với số lượng bệnh nhân điều trị nhiều nên khối lượng chất thải y tế nguy hại ngày càng tăng. Trước đây, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc xử dụng công nghệ lò đốt gây khói bụi, mùi hôi cùng với đó các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thải ra môi trường hàng trăm kilogam chất thải rắn, hàng nghìn khối chất thải lỏng nguy hại mỗi ngày. Số lượng chất thải y tế nếu không được thu gom, phân loại xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và con người.

Trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên xử lý chất thải nguy hại bằng lò đốt 2 buồng nhưng phương pháp này vẫn gây ra khói bụi và mùi hôi. Trước tình trạng các lò đốt chất thải y tế đang hoạt động hiện nay đã xuống cấp, không được bảo dưỡng định kỳ, thiếu linh kiện thay thế. Vì vậy, để xử lý hiệu quả chất thải y tế nguy hại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã áp dụng công nghệ xử lý mới vào triển khai, sử dụng lò hấp ở nhiệt độ cao kết hợp với cắt nghiền chất thải sau khi tiệt trùng để chở thành rác thải thông thường. Mỗi lần vận hành có thể xử lý từ 40-60kg chất thải y tế nguy hại, trong quá trình hoạt động đảm bảo vệ sinh, an toàn với môi trường.

Ông Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã triển khai kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn toàn tỉnh theo mô hình cụm. Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 9 cụm thu gom, xử lý chất thải y tế, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 8 cụm còn lại đặt tại trung tâm y tế các huyện như: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé và TX Mường Lay. Ứng dụng công nghệ xử lý bằng phương pháp tiệt trùng kết hợp cắt nghiền, công nghệ này có ưu điểm là không khói bụi, mỗi lần lò hấp có thể xử lý khối lượng lớn chất thải y tế nguy hại thay vì phương pháp lò đốt và chôn lấp thông thường, với cách xử lý này sẽ kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Việc phân loại chất thải y tế tại nguồn giúp cho quá trình thu gom phân loại chất thải y tế được đảm bảo, chất thải y tế nguy hại được để riêng với các chất thải y tế thông thường. Ngoài ra, các túi đựng rác thải y tế chuyên dụng đã được quy định về màu sắc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao công tác quản lý chất thải y tế nguy hại để góp phần đảm bảo môi trường y tế tỉnh Điện Biên ngày càng xanh, sạch đẹp hơn.

Hoàng Châu