Phát triển du lịch sinh thái làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước, Quảng Nam)

Xã hội - Ngày đăng : 08:17, 28/02/2020

(TN&MT) - Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, làng cổ Lộc Yên được người dân xứ Quảng gọi là “xứ Tiên”, bởi nó hội tụ những vẻ đẹp chỉ ngỡ trong tiên cảnh. Dựa vào lợi thế nguồn tài nguyên du lịch sinh thái nổi trội, Lộc Yên được xác định nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Đặc trưng làng quê xứ Quảng

Theo những vị cao niên ở làng cổ Lộc Yên, làng được hình thành từ nửa cuối thế kỷ XVIII, do ông Nguyễn Công Tuyết - người Tam Kỳ, đưa dân Đinh về chốn này khai cơ, lập nghiệp, tạo dựng nên ngôi làng này.

Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, làng cổ Lộc Yên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt và ngày càng phát triển. Về với làng cổ Lộc Yên như được đắm chìm trong không gian yên bình, giản dị, thân thuộc, rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng. Đó là những ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 100-150 năm ẩn mình dưới tán lá rợp mát của những khu vườn cây ăn quả, hòa mình vào cảnh quan tự nhiên của đồi, gò, sông, suối, ruộng, vườn.

Cảnh sắc hữu tình ở miền quê Lộc Yên

Trong không gian văn hóa này là những vườn cây lưu niên, bậc bằng các bờ đá thẳng tắp, những con ngõ dài được xếp bằng đá khéo léo và tinh xảo với hàng chè tàu xanh mướt, những giếng nước trong veo, những bờ mương róc rách tiếng con nước đổ vào ruộng thật quyến rũ.

Không giống những ngôi làng cổ khác như Đường Lâm hay Phước Tích, điểm nhấn nổi bật không nơi nào có được của Lộc Yên đó chính là văn hóa đá đậm nét trong đời sống sinh hoạt của cư dân cũng như trong bức tranh tổng thể của làng. Ngõ đá, bờ đá, giếng đá cổ với nghệ thuật xếp đá làm nên những bức vách phẳng phiu, không cần đến vôi vữa, ximăng nhưng vẫn liên kết chắc chắn, hạn chế xói lở. Con người khéo léo với thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, cỏ hoa cũng hồn nhiên vươn ra từ những kẽ đá rêu phong xếp chồng lên nhau làm nên vẻ đẹp trầm mặc, mê hồn nơi làng cổ.

Người dân Lộc Yên khéo léo và tài tình tạo nên không gian sống hòa hợp với thiên nhiên.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho ngôi làng Lộc Yên và con người nơi đây một không gian sống rất phong thủy, để họ có cơ hội kiến tạo, giữ gìn. Trong những nếp nhà cổ, người dân Lộc Yên vẫn đang từng ngày gìn giữ những phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt tạo nên bức tranh quê yên bình mang dấu ấn xưa của cư dân xứ Quảng. Chính vì đó, làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã được chính thức xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là một trong bốn làng cổ của cả nước được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Những ngôi nhà cổ trăm tuổi ẩn mình dưới những vườn cây xanh mướt

Phát triển du lịch ở xứ Tiên

Những năm gần đây, lượng khách du lịch tại huyện Tiên Phước tăng lên đáng kể, trong đó khách quốc tế có gần 500 lượt, khách nội địa ước gần 15.000 lượt.  Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó “vùng lõi” du lịch là làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận, huyện Tiên Phước xác định xu hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn, lấy không gian làng cổ Lộc Yên làm điểm nhấn.

Ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, năm 2016, huyện đã xây dựng đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng Tiên Phước thành vùng đặc trưng trung du xứ Quảng và đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý chủ trương, hỗ trợ kinh phí hàng năm để thực hiện. Nhờ đó, Tiên Phước bước đầu xây dựng được những sản phẩm du lịch cụ thể như rượu lòn bon, chuối ép, thanh trà, măng cụt, cam giấy, tiêu, tinh dầu quế, tinh dầu sả, dầu phụng, dầu mè…; hình thành được một số mô hình homestay, các điểm đến phục vụ du khách, xây dựng trung tâm OCOP của huyện…

Qủa lòn bon - đặc sản của làng Lộc Yên, Tiên Phước

Riêng tại làng cổ Lộc Yên, đã xây dựng hệ thống giao thông nội bộ kết nối các danh thắng, điểm du lịch; triển khai trồng cây xanh, trồng hoa ven đường; xây dựng một số điểm đón khách công cộng; phục hồi mô hình cổng làng cổ và các hạ tầng thiết yếu tại các điểm, vùng lõi, vùng đệm du lịch. Tổ chức đối thoại với nhân dân và xây dựng cơ chế hỗ trợ tu sửa nhà cổ, lưu giữ các giá trị vườn nhà, cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp để phục vụ du lịch.

Tuy nhiên, ông Minh cũng trăn trở, muốn làm du lịch thành công, nhất là mô hình du lịch cộng đồng từ làng cổ Lộc Yên, vấn đề tiên quyết là phải có sự quảng bá mạnh mẽ, thường xuyên về tiềm năng, thế mạnh và các sự kiện, diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; phải có đầu tư kinh phí, hỗ trợ, kết nối tour, tuyến thích đáng, đắc lực từ các hiệp hội, doanh nghiệp công ty du lịch, lữ hành, từ sự vươn lên khởi nghiệp du lịch bởi chính các hộ dân của làng, từ ý tưởng và sự tham gia khởi nghiệp đối với các khâu, các lĩnh vực tại điểm du lịch cơ quan nhà nước chưa thể can thiệp, tác động.

Khách du lịch đến thăm làng cổ Lộc Yên

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc sở VH- TT và DL tỉnh Quảng Nam để phát triển du lịch ở làng cổ Lộc Yên thì điều cốt lõi là cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của làng cổ này. “Cần xác định du lịch phát triển du lịch sinh thái, trang trại nông nghiệp kết hợp lưu trú, gắn với hệ sinh thái và hoạt động lao động sản xuất, ẩm thực phong phú của người dân địa phương, tránh tình trạng bê- tông hóa trong xây dựng.”- ông Tường cho hay

Mới đây, UBND huyện Tiên Phước đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Thiên Minh về hỗ trợ phát triển du lịch tại làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận. Theo thỏa thuận, tập đoàn này hỗ trợ xúc tiến đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái và hoạt động sản xuất của người dân địa phương; phối hợp tổ chức khai thác các tour, tuyến du lịch tại làng cổ Lộc Yên và vùng phụ cận… Đây là cơ hội để “xứ Tiên” phát triển du lịch góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội...

Võ Hà