Vụ “Chú ruột phá nhà cháu”: Cần xử lý về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 22:28, 27/02/2020

(TN&MT) - Liên quan tới nội dung bài viết “Chú ruột phá nhà cháu nhưng không bị xử lý?” đăng ngày 25/2/2020, chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Duệ Đông, Thị trấn Lim, huyện Tiên Du tố cáo các chú ruột phá nhà để cướp đất, phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Phó Dũng, Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, cho rằng: Nếu như bản di chúc photo bà Hiền cung cấp cho cơ quan chức năng là “có thật”, thì đây không thể được coi là một bản di chúc hợp pháp.

Thứ nhất, nếu xét về quyền lập di chúc thì theo quy định của Luật Đất đai chỉ những hộ gia đình, cá nhân người được nhà nước giao đất mới có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Tại bản di chúc được coi là bà Nguyễn Thị Viết lập năm 1999, có điểm chỉ và có phần xác nhận của Trưởng thôn đã xác nhận theo bản đồ, trích lục bản đồ và sổ mục kê thì người sử dụng đất là của ông Tỵ, bà Binh (bố mẹ ruột của bà Hiền - PV), không có bất kỳ nội dung nào thể hiện bà Viết là người có quyền sử dụng đất, vì vậy không có cơ sở để bà Viết có quyền để lại thừa kế đối với mảnh đất của bà Binh, ông Tỵ.

Sổ mục kê năm 1996 chủ hộ mang tên Phạm Thị Binh (mẹ ruột chị Hiền)

Thứ hai, người sử dụng đất chỉ có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên, đảm bảo thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất. Trong trường hợp này, bà Viết để lại di chúc khi không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về thừa kế, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại càng dẫn đến sự hiểu nhầm của ông Mão và các con của bà Viết, dẫn tới đã xảy ra tranh chấp đất với bà Hiền (con của ông Tỵ, bà Binh).

Thứ ba, nếu căn cứ vào pháp luật về thừa kế theo Bộ Luật dân sự năm 1995, thời điểm lập di chúc và thời điểm phát sinh thừa kế. Thì một bản di chúc được coi là chứng thực hợp pháp khi tuân thủ Điều 661 Bộ Luật dân sự năm 1995. Việc lập di chúc phải theo thủ tục sau: Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình và người có thẩm quyền chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc; Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Người có thẩm quyền chứng thực của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Hồ sơ thửa đất ghi rất chi tiết hộ giáp danh nhà bà Binh

Hồ sơ kỹ thuật thửa đất

Chưa kể đến việc chưa có căn cứ và không đủ điều kiện để lại thừa kế quyền sử dụng đất của bà Viết, thì căn cứ quy định của pháp luật “Bản di chúc cho con cháu”  bà Viết lập không tuân thủ quy định của pháp luật, cụ thể: Nếu bản di chúc này được coi là bản di chúc có chứng thực của UBND Thị trấn Lim thì không phải là bản di chúc được lập bởi người có thẩm quyền chứng thực, trái pháp luật; Nếu bản di chúc bà Viết lập bằng văn bản có người làm chứng, thì tôi cho rằng việc có các con bà là ông Mão, ông Quý… là người thừa kế của bà Viết, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới bà Viết làm chứng là trái pháp luật. Bất kỳ ai cũng có thể làm chứng, trừ những người có liên quan và người thuộc hàng thừa kế của bà Viết. Vì vậy, không thể gọi đây là bản di chúc có người làm chứng hợp pháp.

Về việc hủy hoại tài sản, hiện nay bà Hiền đã tố cáo hành vi hủy hoạt tài sản của ông Quý, ông Mão lên Cơ quan cảnh sát điều tra, việc xác minh có hay không có tội thuộc thẩm quyền của Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát. Trong trường hợp chưa đủ căn cứ xác định hành vi hủy hoạt tài sản của ông Quý, ông Mão và cần chờ quyết định của Tòa thì Cơ quan cảnh sát điều tra có thể tạm đình chỉ giải quyết đơn thư tố giác và phải ban hành quyết định để trả lời đơn thư tố giác của công dân theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự, Thông tư số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12//2017.

Ngôi nhà 4 gian của chị Hiền đã bị các chú ruột phá hỏng, nay chỉ là mảnh đất trống

Theo quan điểm của tôi, nếu sau này Tòa án xét xử vụ tranh chấp đất đai, khi có phán quyết xác định quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của bà Hiền, bà Hiền vẫn có quyền yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra phục hồi điều tra, xử lý về hành vi “hủy hoạy hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ gây thiệt hại và hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù khi gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Doãn Xuân - Quán Dũng